Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh: Nhất nghệ tinh nhất thân vinh

Nhắc đến tranh kính nghệ thuật Việt Nam, hẳn không thể bỏ qua tên tuổi nghệ nhân Phạm Hồng Vinh bởi ông chính là người có công đầu trong việc sáng chế ra công nghệ sản xuất dòng tranh kính này. Ông đã đặt cho dòng tranh kính của mình một cái tên rất mộc mạc, giản dị mà cũng rất ấn tượng: tranh kính Cô Ba (Coba).

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Vinh đã từng theo đuổi công việc đúng với ngành học của mình. Tuy nhiên, sau một vài năm, ông thấy công việc không phù hợp. Con đường đến nghiên cứu quy trình sản xuất tranh kính nghệ thuật bắt đầu từ đó và gắn liền với những thăng trầm của cuộc đời ông.

vinh111-1631367121.jpg
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh bên tác phẩm ranh điêu khắc kính cường lực thấu quang

Sau khi từ bỏ công việc theo đúng chuyên ngành học, ông Vinh kinh qua khá nhiều các ngành nghề khác như: sản xuất lò gốm, làm tranh sứ, đá mài kính…Ban đầu, bằng tư duy của một người học kinh tế, ông cùng một vài người bạn của mình chung vốn mở xưởng sản xuất, vừa làm ra sản phẩm đồng thời cũng kinh doanh luôn sản phẩm mình làm ra.

Trong thời gian làm xưởng sản xuất tranh sứ, có những khi làm ăn rất gặp nhưng cũng có những lúc khiến ông suy sụp khi phải đứng trước nguy cơ phá sản. Một vài lần ông tưởng chừng như mình không thể gượng dậy được. Nhưng rồi mọi khó khăn dường như ông cũng đều vượt qua tất cả để giờ đây, tên ông được nhắc đến với vai trò như là “ông tổ” của nghề tranh kính nghệ thuật Việt Nam.

Năm 1990, nhận thấy thị trường có sự thay đổi, ưa chuộng các sản phẩm kính, ông Vinh chuyển sang nghiên cứu và sản xuất đá mài kính. Đó cũng là dấu mốc khi xưởng sản xuất đá mài kính của ông bắt đầu đi vào hoạt động. Cho đến nay, đá mài kính được coi là một thiết bị mài kính đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó, ông tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu hơn về sản phẩm này. 

Xưởng sản xuất đá mài kính của ông ban đầu làm ăn rất thuận lợi. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, các mặt hàng kính của Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Hàng nội địa nói chung và các sản phẩm kính Vinh Coba nói riêng lúc đó không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc bởi chúng có giá rất rẻ.

Thời gian khó khăn nhất của xưởng sản xuất cũng chính là lúc ông Phạm Hồng Vinh bắt tay vào nghiên cứu về công nghệ hóa mờ kính. Từ đó, những sản phẩm kính của ông được sản xuất được nhanh, nhiều hơn mà kính lại đẹp hơn, kín, mờ và siêu mịn. Sản xuất được nhiều nên giá thành sản phẩm cũng được hạ xuống, giúp cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc.

Năm 2003, nhận thấy nhu cầu trang trí bằng tranh kính nghệ thuật cho các công trình xây dựng được ưa chuộng, ông bắt đầu tìm ra hướng đi mới cho sản phẩm của mình để cho ra một quy trình sản xuất tranh kính nghệ thuật độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, quy trình sản xuất tranh kính nghệ thuật mang tên Vinh Coba đã ra đời và đồng thời cũng xuất những sản phẩm tranh kính siêu bền mang chất lượng vượt trội đầu tiên.

vinh22-1631367349.jpg
Gần đây, Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã thành công điêu khắc chân dung trên kính cường lực

Nói về nguồn gốc của tranh kính nghệ thuật, ông Vinh cho hay: Nhiều người lầm tưởng rằng tranh kính có mặt đầu tiên ở châu Âu nhưng thực tế không phải như vậy. Khi xuất hiện ở châu Âu, tranh kính hồi đó chỉ có các mảnh kính màu được gọt giũa, lắp ghép lại thường dùng để tranh trí trong nhà thờ hoặc các ô cửa.

Còn với tranh kính Coba là loại tranh kính được mài rồi sơn vẽ nên có tính độc đáo và rất bền. Để có được một bức tranh kính hoàn thiện, phải mất rất nhiều thời gian từ việc lên ý tưởng đến tiến hành sản xuất sản phẩm.Người làm tranh kính nghệ thuật cũng phải có đam mê và những kiến thức về hội họa, mĩ thuật.

Ông Vinh cũng không ngại chia sẻ công nghệ làm tranh kính với 8 bước cơ bản: thiết kế mẫu (vẽ, tạo phối cảnh), thiết kế đồ họa, cắt vi tính, dán bịt vi tính (đề can), phun cát (khắc áp lực), mài (làm đẹp chi tiết điêu khắc), phun sơn, nung. Với các loại tranh kính phun sơn nội thất thì chỉ cần hấp ở nhiệt độ 120 độ C là thành sản phẩm. Còn tranh kính phun sơn ngoại thất thì phải được nung và tôi ở nhiệt độ 700 độ C, khi đó sẽ cho ra những sản phẩm tranh kính siêu bền, trường tồn cùng thời gian.

Ngày 13/7/ 2012, ông Vinh đã vinh dự đón nhận bằng sáng chế độc quyền về quy trình sản xuất tranh nghệ thuật Coba do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.

Trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh và sản phẩm tranh kính nghệ thuật siêu bền của ông đã vinh dự có mặt trong top “200 doanh nghiệp tiêu biểu 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đợt 1”. 

Ngày 12/10/2012 tại Hà Nội,Nghệ nhân Vinh Coba chính thức được ra nhập Hội Mỹ Thuật Việt Nam .

7-1631368006.jpg
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh được tôn vinh tại sự kiện Rạng rỡ Việt Nam năm 2020

Đầu năm 2014 vừa qua, Phạm Hồng Vinh cùng 36 nghệ nhân thuộc một số ngành nghề khác vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội phong tặng.

Năm 2020, Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cấp Quốc gia. 

Hiện nay, các sản phẩm tranh kính của ông Phạm Hồng Vinh đang rất được thị trường ưa chuộng vì các sản phẩm bền, đẹp, mang tính thẩm mĩ cao và có tính ứng dụng rộng rãi trong thiết kế nội, ngoại thất. Các tác phẩm tranh kính của ông đa phần có xu hướng khai thác các yếu tố văn hóa Việt Nam, đặc biệt chú ý đến văn hóa dân gian truyền thống. Một số tác phẩm nổi tiếng của Vinh Coba có sử dụng chất liệu dân gian có thể kể đến như: Nghệ thuật hát xẩm, Chử Đồng Tử, Lạc Long Quân… hay những tác phẩm khắc họa lại lịch sử hào hùng của dân tộc như: bức Lý Công Uẩn dời đô…Năm 2020, một số sản phẩm tranh kính Vinh COBA  vinh dự được nhà nước công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu.