Hai hãng xe Trung Quốc "đấu khẩu" vì hiệu suất động cơ
Vài tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin cả BYD và Geely đều tuyên bố hệ thống PHEV (plug-in hybrid) mới của họ sẽ có tầm hoạt động 2.000 km. Tuy nhiên, có vẻ như Geely không hài lòng với điều BYD đã tuyên bố trong sự kiện ra mắt hôm 28/5 rằng họ có động cơ đạt hiệu suất nhiệt cao nhất thế giới.
Tình huống này đã dẫn đến tranh cãi giữa hai hãng về việc ai thực sự có động cơ đạt hiệu quả cao nhất. Buổi họp báo tối qua về công nghệ hybrid DM thế hệ thứ năm của BYD cũng đã nêu ra nhiều chi tiết về ba thông số chính và cách chúng được đo lường.
Cụ thể, ba con số quan trọng đã lập kỷ lục mới đó là mức tiêu thụ nhiên liệu 2,9 l/100 km, tầm hoạt động 2.100 km và hiệu suất nhiệt 46,06%.
Phản ứng của Geely
BYD tuyên bố sở hữu động cơ hiệu suất nhiệt cao nhất thế giới và đưa ra con số 46,06%. Geely đáp lại rằng điều này không đúng và họ có động cơ hiệu suất cao nhất với con số 46,1%.
Geely thậm chí còn đưa ra một chứng nhận, đáng ngạc nhiên là bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, từ CATARC (Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Ô tô Trung Quốc) để chứng minh con số này. CATARC là một viện nghiên cứu thuộc sở hữu của nhà nước giúp Trung Quốc quản lý ngành công nghiệp ô tô.
Có thể thấy, ngày phát hành của tài liệu này là tháng 7 năm ngoái, mặc dù Geely công bố bước đột phá này vào tháng 11 năm 2022. Tuy nhiên, động cơ này hiện chưa được sử dụng và sẽ là một phần của hệ thống NordThor PHEV thế hệ tiếp theo dự kiến sẽ được trình làng vào năm sau.
Hệ thống NordThor PHEV hiện tại, ra mắt vào tháng 2 năm ngoái, sử dụng động cơ BHE15 Plus có hiệu suất nhiệt 44,26%.
Công nghệ hybrid đến từ BYD nhận về nhiều nghi ngờ
Để phản ứng lại, Li Yunfei, Tổng giám đốc bộ phận PR của tập đoàn BYD nói: "Ra mắt sản phẩm đồng nghĩa với việc nó đã được sản xuất hàng loạt. Việc đưa nó vào thực tế phải được thực hiện ngay khi sản phẩm trình làng".
Sau đó, một chứng nhận khác từ CATARC được cấp vào tháng 3 năm 2024 đã cho thấy một động cơ BYD có hiệu suất nhiệt 46,5%. Li cho biết rằng BYD có nhiều động cơ không được sản xuất hàng loạt với hiệu suất nhiệt cao hơn.
Tiếp tục gây tranh cãi là một số tuyên bố khác về công nghệ DM thế hệ thứ năm của BYD. Trước hết, có vẻ như con số 2,9 l/100 km thực tế là theo điều kiện thử nghiệm của NEDC (quy trình thử nghiệm xe của châu Âu), tuy nhiên theo thông tin trong một tài liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT), con số này là 3,8 l/100 km.
Sự khác biệt là MIIT sử dụng tiêu chuẩn WLTC (quy trình thử nghiệm xe toàn cầu) bao gồm bốn phần: tốc độ thấp, tốc độ trung bình, tốc độ cao và tốc độ cực cao.Trong khi đó, NEDC sử dụng bốn chu kỳ lái xe đô thị lặp lại và một chu kỳ lái xe ngoại ô. Hơn nữa, bài kiểm tra NEDC kéo dài 1.180 giây so với 1.800 giây của WLTC.
Tốc độ tổng thể, các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ ẩm), tải trọng và việc sử dụng điều hòa không khí trong bài kiểm tra WLTC cho thấy nhiều hơn về điều kiện thực tế.
Tương tự, người dùng cũng đặt dấu hỏi về tầm hoạt động 2.100 km của công nghệ đến từ BYD. Hiện tại hãng chưa đưa ra thông tin về phương pháp đo lường đã cho ra con số này.