Cần siết chặt quản lý quảng cáo trên không gian mạng

Sáng 27/9/2024, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8 thảo luận về Dự thảo Luật Sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự và chủ trì phiên họp.

Với nhiều lợi thế về công nghệ, lượng người sử dụng ngày càng gia tăng, trong thời gian qua, nhiều nền tảng xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook, TikTok… đang chiếm ưu thế trong hoạt động quảng cáo so với các hình thức truyền thống. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển là thực trạng tràn lan vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như tạo bức xúc với người tiêu dùng.

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là bổ sung quy định về quảng cáo trên mạng. Việc lấp khoảng trống pháp lý này là cần thiết, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh đang diễn ra khá sôi động trên môi trường mạng hiện nay.

1qc-1727419454.jpg
Nhiều quảng cáo sai quy định. Ảnh minh họa

Nhức nhối vấn nạn quảng cáo bất chấp pháp luật “treo đầu dê bán thịt chó”

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; hoàn thiện các quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp Văn hóa, hoạt động quảng cáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ. Mặt khác, trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã có nhiều chủ trương về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và ngành quảng cáo nói riêng được ban hành.

Sau 12 năm triển khai kể từ khi Luật Quảng cáo năm 2012 được ban hành, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do. Hoạt động quảng cáo phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hiện nay, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và càng ngày càng khẳng định vị trí trong hoạt động doanh nghiệp của cơ chế thị trường. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng… để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Khá phổ biến hiện nay là việc xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng. “Tiền mất, tật mang”, nhiều người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân, bỏ tiền thật mua sản phẩm kém chất lượng chỉ vì những quảng cáo “bất chấp” pháp luật và những nguyên tắc về đạo đức, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Cùng với việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền tràn lan tạo ra ma trận sản phẩm gây nhiễu và thiệt hại cho người tiêu dùng thì còn rất phổ biến hiện tượng lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, Youtube để phát tán các sản phẩm cờ bạc, cá độ, dụ dỗ cho vay tiền trực tuyến với lãi suất “cắt cổ”. Nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn nội dung xấu độc, sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền...

Theo thống kê số thu thuế của Tổng cục Thuế năm 2023, các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được số tiền 8.000 tỉ đồng; có những doanh nghiệp nộp tương ứng 10% doanh thu, có doanh nghiệp tương ứng 5%. Như vậy, chỉ riêng trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỉ USD, trong đó 70% là nước ngoài. Thực tế này cho thấy Việt Nam đang là một mảnh đất “màu mỡ” đối với các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

Hàng lang pháp lý chặt chẽ nhằm “siết” quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên mạng

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao sự tiếp thu chỉnh lý của cơ quan soạn thảo, đề nghị tiếp tục rà soát một số nội dung mà các đại biểu cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo thẩm tra.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy hồ sơ Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cũng theo Bộ Văn hoá - thể thao và Du lịch thì hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống (quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng rôn, báo in, báo nói, báo hình…) sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…). Kéo theo sự chuyển dịch này là những khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ. Luật Quảng cáo hiện cũng chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới luật, vì vậy nên hiệu quả quản lý chưa cao.

Thực tế cũng cho thấy, do hệ thống luật pháp đi sau thực tiễn nên dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý, các doanh nghiệp Việt cũng mất đi thị phần quảng cáo trên không gian mạng. Không chỉ mất đi nguồn thu thuế cho Nhà nước mà nguy hiểm hơn, hệ lụy kéo theo là những vi phạm kéo dài. Khoảng trống trách nhiệm đối với những người quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng, đặc biệt xuất hiện tràn lan trên môi trường mạng cũng đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về những giải pháp khắc phục.

Để lấp khoảng trống này, dự thảo luật đã bổ sung những quy định mới, phù hợp với yêu cầu của đời sống, trong đó có những quy định đối với hoạt động quảng cáo trên mạng. Theo đó, nội dung sửa đổi về quảng cáo trên mạng bao gồm: Quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như: Quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện bằng từ ngữ, ký hiệu hoặc các hình thức tương tự để người tiếp nhận xác định là quảng cáo và phân biệt với các thông tin không phải quảng cáo.

Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, người phát hành quảng cáo, người cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng Internet phải thiết kế tính năng để người sử dụng có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp nhau với tổng thời gian không quá 7 giây; cho phép người sử dụng được từ chối quảng cáo hoặc báo vi phạm với quảng cáo có nội dung không phù hợp.

Đối với những quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin điện tử khác thì nội dung của trang thông tin điện tử được dẫn đến phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Đồng thời, quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; cơ quan tiếp nhận thông tin thông báo.

Cơ quan quản lý Nhà nước bên cạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp trung gian trên internet, cần tăng cường điều tra và xử lý các cá nhân, tổ chức lợi dụng nền tảng mạng xã hội để phát tán quảng cáo sai sự thật, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Ngoài ra cơ quan quản lý nên thúc đẩy, phối hợp với các tổ chức xã hội như Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam để xây dựng các hướng dẫn thực hành, quy tắc ứng xử về quảng cáo minh bạch, lành mạnh trên không gian mạng.

Các hướng dẫn thực hành, quy tắc ứng xử này có khả năng giải quyết cùng lúc hai vấn đề. Một là, giúp quy định pháp luật về nội dung quảng cáo trở nên dễ hiểu, dễ dàng tuân thủ, chấp hành hơn trong bối cảnh xã hội thay đổi với sự xuất hiện của công nghệ số. Hai là, tạo ra sự ổn định của quy định pháp luật bởi quảng cáo sai sự thật luôn tồn tại, trong khi hình thức quảng cáo biến đổi theo thời gian (từ quảng cáo trên pa-nô, áp-phích, trong các sự kiện văn hóa, giải trí, đến quảng cáo trên báo chí, truyền hình hay trên internet như hiện nay).

2qc-1727419505.png
Nhiều quảng cáo sai quy định. Ảnh minh họa

Đối với quảng cáo sai sự thật liên quan đến người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, cơ quan Nhà nước cần tiếp tục xem xét bổ sung chế định về kiện tập thể tại Việt Nam, bởi quảng cáo sai sự thật do người có ảnh hưởng trên mạng (influencers) thực hiện chủ yếu tác động đến một nhóm người dùng (thường là người theo dõi - followers). Hình thức này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho các nguyên đơn, do họ không phải thực hiện thủ tục khởi kiện, chứng minh thiệt hại một cách riêng lẻ; đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng trong việc tiến hành các thủ tục tố tụng, tiết kiệm thời gian cho tòa án.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, trong bối cảnh hoạt động quảng cáo trên mạng đang dần trở thành một xu thế tất yếu, dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên mạng là điều rất cần thiết. Hàng lang pháp lý chặt chẽ không chỉ khắc phục khoảng trống lâu nay mà còn là barie hữu hiệu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, góp phần đưa hoạt động quảng cáo trên mạng dần đi vào nề nếp.