Chỉ cần mở TikTok và search từ khóa "eggprank" bạn sẽ nhận được hàng loạt video về trò đùa xoay quanh những quà trứng, trong đó, nhiều nhất là với trẻ em (eggprank kids). Cơn sốt #eggprank ghi lại cảnh quay người lớn đập quả trứng vào đầu một đứa trẻ đang càn quét khắp nơi.
Vậy phản ứng của người trong cuộc như thế nào? Những ông bố bà mẹ coi đây là trò đùa nên cười rất thích thú. Ngược lại, những em bé bị đập trứng thường có biểu hiện bất ngờ, sốc, òa khóc... Một số bé hoạt bát và cứng rắn hơn thì lấy trứng đập trả đũa. Nhưng về cơ bản, các bé đều không hào hứng với trò đùa này của người lớn.
Chính trên nền tảng TikTok, rất nhiều chuyên gia và người lớn đã lên tiếng chỉ trích về trò đùa kém duyên này. Mới đây, một số chuyên gia y tế còn cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn mà "trend" này có thể gây ra.
Trong hầu hết các video được đăng lên TikTok, người ta thường thấy phụ huynh cùng con nhỏ vào bếp. Người lớn sẽ lấy một quả trứng sống ra và nói với đứa trẻ về việc đập vỡ nó. Nhưng, thay vì đập trứng vào chảo hoặc bát, họ lại đập lên đầu đứa bé, sau đó mới bỏ vào bát.
Trào lưu này đã phát triển nhanh chóng dù trong một số video, đứa trẻ có vẻ khó chịu hoặc choáng váng. Thậm chí, có trẻ đã khóc toáng lên để phản ứng. Trong một số trường hợp, trẻ còn ném lại trứng vào cha mẹ để trả thù.
Theo NBC, tính đến ngày 22/8, các video gắn hashtag #eggprank đã thu hút hơn 670 triệu lượt xem. Một trong số đó đã đạt tới 6 triệu lượt xem mỗi video.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng trò chơi khăm này có thể gây ra tác dụng phụ, trong đó có việc bầm tím trên đầu hoặc lây lan vi trùng. Bác sĩ Meghan Martin, người làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng Johns Hopkins ở Florida chia sẻ trên tài khoản TikTok với 1,3 triệu người theo dõi của mình: "Tôi hoàn toàn không phải fan của trò này. Đây không phải điều mang lại lợi ích cho trẻ dưới bất kỳ hình thức nào và thực lòng tôi không thấy nó thú vị. Chúng ta đang đập vi khuẩn salmonella lên trán của trẻ theo đúng nghĩa đen".
Nhà trị liệu nhi khoa Amanda Mathers đã thử đập trứng lên chính đầu mình và phát hiện "thật khó để đập trứng vào đầu và hộp sọ đã phát triển đầy đủ của tôi. Và tôi gần như cảm thấy sốc, giống như nước mắt lưng tròng khi cố đập trứng vào đầu".
Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng trò chơi khăm này có hại. Rebecca Burger-Caplan, giám đốc lâm sàng của các dịch vụ trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York , cho biết trải nghiệm chỉ xảy ra một lần nên không thể có tác động lâu dài.
Đây không phải lần đầu tiên trẻ nhỏ trở thành đối tượng của những "trend" nhảm trên TikTok. Hồi tháng 3 năm nay, hàng loạt clip "giả làm người thân để lừa trẻ em" đã xuất hiện trên nền tảng này. Ban đầu, đó chỉ là những clip vui nhộn nhưng càng về sau càng đáng báo động. Nhiều trẻ không nắm được kỹ năng trong việc giao tiếp với người lạ, quá ngây thơ, nhẹ dạ cả tin.
TikTok là nền tảng ảo, nơi người dùng có thể sáng tạo nội dung, chia sẻ và xem video của người dùng khác với nhiều mục đích. Tuy nhiên, ứng dụng này gây ra nhiều hệ lụy, có thể tác động tiêu cực đến người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Ngoài những thông tin độc hại, TikTok còn đang nở rộ nhiều trào lưu nhảm nhí, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng người dùng. Trong lúc chờ đợi TikTok có những chính sách kiểm duyệt nội dung gắt gao thì chính người dùng chúng ta phải tự nhìn nhận được đâu là trào lưu tốt, đâu là trào lưu nhảm để tự thanh lọc.