Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Góp phần khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), xin chia sẻ lại những dòng hồi ức của Phó Chủ tịch Hội đồng cung cấp Chiến dịch Điện Biên Phủ Nguyễn Văn Trân lúc sinh thời đã chia sẻ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một chiến thắng của lòng quả cảm và trở thành một trong những dấu son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Một chiến thắng sánh ngang với chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của ông cha ta.

Với chiến thắng này, quân và dân ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Cho đến tận hôm nay, nhiều sử gia vẫn đánh giá, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mà một trong những nguyên nhân mang tính quyết định dẫn đến thắng lợi hoàn toàn chính là sự bí mật, bất ngờ của chiến lược “hậu cần toàn dân” trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam.

hau-1714790976.jpgĐoàn xe đạp thồ trên đường vào tiền tuyến. Ảnh: TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng từng chia sẻ, vào cuối năm 1953, Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân tập trung chi viện cho tiền tuyến với chiến lược hậu cần toàn dân. Và ông khi đó được phân công làm Phó Chủ tịch Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương (Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch).

Trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành Hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng, bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch (lực lượng chiến đấu 53.830 người); khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn: 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác.

Ông Trân kể, để vận chuyển khối lượng lớn vật chất lên mặt trận, hậu cần chiến dịch đã huy động 16 đại đội ô-tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp được huy động, có thời gian còn được tăng cường 94 xe của các đơn vị pháo binh, phòng không. Phong trào thi đua "Vượt cung, tăng chuyến, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt" phát triển sâu rộng trong các đơn vị vận tải. Tuyến vận tải chiến dịch bố trí 18 trạm điều chỉnh giao thông... với sự tham gia của hơn 260.000 dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, khoảng hơn 18 triệu ngày công; trên 2 vạn xe đạp thồ; gần 800 xe thô sơ; gần 800 ngựa thồ và hơn 3000 phương tiện đường thủy các loại được các địa phương huy động phục vụ chiến dịch.

Và để bảo đảm sức khỏe cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trong điều kiện khó khăn, hậu cần chiến dịch chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp như: Chế biến các loại thực phẩm khô (vừng, đỗ, lạc), ướp muối thịt, muối dưa... gửi lên mặt trận. Hậu cần Đại đoàn 316 đưa được nhiều đàn bò từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ. Hậu cần Đại đoàn pháo 351 ướp muối hàng chục tấn thịt bảo đảm cho các đơn vị. Hậu cần Đại đoàn 312 tổ chức đội xe thồ 100 chiếc vận chuyển thực phẩm từ Phú Thọ lên mặt trận. Đại đoàn 308 khai thác tại chỗ 52 tấn củ mài, 32 tấn rau rừng, đánh bắt 32 tấn cá...

Một chi tiết ông Trân đặc biệt nhấn mạnh là để có đủ 16.000 tấn gạo phục vụ bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành hậu cần phải huy động 384.000 tấn, vì cứ một kg gạo đến đích thì mất 24 kg ăn dọc đường.

cu-tran-1714791127.jpg

Người viết bài lưu niệm với đồng chí Nguyễn Văn Trân năm 2016

Ông Trân phân tích, thất bại của quân viễn chinh Pháp với sự hậu thuẫn của Mỹ xuất phát từ những tính toán và đánh giá sai lầm về công tác hậu cần của ta. Chúng cho rằng, Điện Biên Phủ trở thành "pháo đài không thể công phá", "con nhím khổng lồ" giữa núi rừng Tây Bắc. Tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương, tin tưởng Việt Minh không thể tập trung quá hai sư đoàn và pháo binh hạng nặng lên trận địa. Việc tiếp tế lương thực, đạn dược và nhu yếu phẩm cho đội quân chiến đấu trong thời gian dài, trên những con đường luôn bị không quân Pháp dội bom là "không thể".

Thậm chí, chúng còn chủ quan khinh thường Việt Minh đến mức, đêm Giáng sinh năm 1953, Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm De Castries phát biểu: "Chúng tôi chỉ còn sợ Việt Minh thấy miếng mồi Điện Biên Phủ quá to. Nếu họ quá sợ mà không dám tấn công thì thật là tai họa đối với tinh thần binh sĩ!". De Castries còn cho máy bay rải truyền đơn, thách thức chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

Cũng theo ông Trân, trong trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định lịch sử khi quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Việc thay đổi này ảnh hưởng đến công tác hậu cần của ta, nhưng cũng chính sự thay đổi này cũng tác động gây khó khăn không nhỏ của địch trong công tác hậu cần. Quả thực ở giai đoạn cuối với những tính toán tài tình của Tướng Giáp, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từng bước bị cô lập về tiếp viện hậu cần. Dưới tầm kiểm soát hoả lực của quân ta, chiến dịch hậu cần thông qua cầu hàng không của địch bị thất bại hoàn toàn.

Đánh giá về vai trò to lớn của hậu phương nói chung, công tác hậu cần nói riêng cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, nhân dân ta đã đóng góp công sức nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954, để chi viện cho bộ đội giết giặc... Chưa bao giờ người dân Việt Nam ra mặt trận nhiều đến vậy... Hậu phương đã chuyển cả một quyết tâm giết giặc, một tinh thần đoàn kết kháng chiến rất cao, cả một tinh thần phấn khởi cách mạng đến tận người chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận.

Sau này, Tướng Pháp Yves Gras trong cuốn Lịch sử chiến tranh Đông Dương đã viết: "Ông Giáp quan niệm cả một dân tộc sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần và giải pháp này đã làm thất bại mọi toan tính của Bộ tham mưu Pháp...".

Với những thắng lợi của quân đội nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX, đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 đã gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất, vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại...!