Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng: Cần cơ chế tuyển dụng cán bộ thuộc lĩnh vực chuyên môn

Công đoàn ngành Điện cũng như các Công đoàn đặc thù khác như: Dầu khí, Hóa chất, Dệt May… hiện đều gặp vướng về cơ chế tuyển dụng cán bộ Công đoàn được đào tạo chuyên ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn.
z5825262680021-ef8465d3b095240a2db75343b03f38c4-1726189290.jpg
Ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam

Với 9 công đoàn cấp trên cơ sở, 26 công đoàn cơ sở trực thuộc, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo đời sống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngành điện. Tuy nhiên trong nhiều năm qua cơ chế tuyển dụng cán bộ Công đoàn được đào tạo chuyên ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn còn nhiều vướng mắc. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã có cuộc trao đổi cùng ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam xung quanh vấn đề trên. 

Phóng viên: Được biết từ đầu năm 2024 đến nay, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CBCNV - NLĐ. Vậy xin ông có thể chia sẻ những hoạt động nổi bật là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Hùng: Năm 2024, chúng tôi xác định là một năm khó khăn của ngành điện, bởi nhu cầu sử dụng điện để phát triển kinh tế xã hội ngày một tăng cao. Thêm nữa là bức tranh tài chính trong bối cảnh giá điện chưa được thay đổi, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện như xăng, dầu, than đều tăng và phải mua theo cơ chế thị trường trong khi đó giá điện phụ thuộc vào sự điều tiết giá của chính phủ. Chính vì thế có nhiều năm hoạt động của ngành điện luôn bị lỗ,  đời sống cán bộ nhân viên vất vả, phúc lợi không có, khen thưởng không có, điều kiện chăm sóc cho người lao động rất hạn chế. Trong khi đó áp lực ngành điện, công sức NLĐ ngành điện cống hiến bằng hai ba các ngành khác, nên càng ngày càng gặp nhiều khó khăn và vất vả.

Để san sẻ những điều này với NLĐ ngành điện, chúng tôi đã xây dựng chương trình tuyên truyền, vận động cho NLĐ hiểu và chia sẻ được khó khăn của ngành, hiểu được chính sách cơ chế đặc thù ngành có điều tiết chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, của Đảng và Nhà nước. Để từ đó tập thể CBCNV - NLĐ toàn ngành cùng cố gắng vượt qua.

Trong năm 2024, ngành điện triển khai thực hiện đường dây 500kV mạch 3, đây là công trình trọng điểm quốc gia. Theo chỉ đạo của Thủ tướng trên tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, vì thế ngay từ những ngày đầu năm, chúng tôi đã cho anh em di chuyển đến các công trường, lăn lộn nắng mưa, thâm chí những đợt cao điểm còn phải huy động nguồn nhân lực từ xa đến giúp. Công đoàn luôn quan tâm, kịp thời chăm lo cho người lao động nơi ăn chốn ở, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn cho NLĐ. Chúng tôi cũng động viên, thăm hỏi, nhắc nhở công tác an toàn. Chỉ đạo công đoàn các cấp dành thêm các nguồn lực để hỗ trợ điều kiện cơ sở, vật chất, cải thiện thêm bữa ăn cho NLĐ được đảm bảo sức khỏe.

Năm 2024 là năm kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn, Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành điện, nhiều hoạt động được tổ chức, trong đó có các hoạt động tôn vinh, biểu dương NLĐ. Biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu, lao động giỏi. Hàng năm, vào đầu năm chúng tôi có chỉ thị liên tịch giữa Giám đốc và Ban thường vụ Công đoàn ngành điện để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức hội nghị NLĐ, tổ chức đối thoại. 100% đơn vị đều thực hiện, qua đó nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để giải quyết theo thẩm quyền của các cấp. Trong tháng 9 này, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc đối thoại ở cấp Tập đoàn - cấp cao nhất để giải quyết các kiến nghị của NLĐ. Và hầu hết các kiến nghị của NLĐ đều được giải quyết.

z5820826313796-eb8ea93d7c5f3408f95dd5310c805852-1726189290.jpg
Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Phóng viên: Thưa ông cơn bão Yagi vừa qua đã gây ra hậu quả nặng nề với những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Vậy xin ông có thể cho biết những thiệt hại mà ngành điện phải gánh chịu cũng như những hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả của cơn bão mà Công đoàn điện lực đã và đang triển khai?

Ông Đỗ Đức Hùng: Theo thống kê của ngành điện, cơn bão Yagi và ảnh hưởng của lũ quét đã làm hư hỏng nghiêm trọng hệ thống lưới điện của nhiều tỉnh thành miền Bắc. Trong đó lưới điện 110kV tại 6 tỉnh miền Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh) nơi bão đi qua đã bị thiệt hại nặng nề.

Đặc biệt hệ thống điện 110kV của tỉnh Quảng Ninh gần như tê liệt khi toàn bộ đường dây 110kV và trạm biến áp 110kV phải tách khỏi vận hành. Theo đó, đã có 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc với trên 3 triệu khách hàng bị ảnh hưởng. Điều đáng nói là trong những ngày qua, ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, đã có mưa to nhiều nơi trên diện rộng tại một số tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, gây ngập lụt tại 7 khu vực, tiếp tục gây mất điện cho khoảng gần 230.000 khách hàng.

Trước khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào miền Bắc, chúng tôi đánh giá với sức tàn phá khủng khiếp sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành. Chính vì vậy, chúng tôi đã sẵn chuẩn bị những phương án để đối phó. Công đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo công đoàn trực thuộc các đơn vị thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Trong đó công tác hậu cần chúng tôi đã đôn đốc các công đoàn cơ sở nhất là tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải phòng phải chăm lo cho cán bộ nhân viên đảm bảo công tác hậu cần nước, lương khô, vật tư y tế… Sau khi bão đổ bộ, thì nhân viên ngành điện phải có mặt ngay tại hiện trường để đảm bảo giải phóng các đường dây, kịp thời cấp điện lại cho các nhà máy sản xuất, bệnh viện, nhà máy nước, các cơ sở quan trọng…

Sau mỗi cơn bão, ngành điện luôn vất vả, gió giật làm cây đổ, kéo theo đổ các cột điện. Ngành điện phải khắc phục hậu quả sau bão rất khó khăn và tốn kém. CBCNV, NLĐ ngành điện gần như làm việc ngày đêm nên công đoàn phải lên phương án chuẩn bị các điều kiện cần thiết cả trước, trong và sau bão.

Để động viên tinh thần cho CN - NLĐ, Công đoàn điện lực Việt Nam chuẩn bị những món quà tiền mặt dành cho những đơn vị thăm hỏi tại tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng các phần quà trị giá mỗi phần quà là 10.000.000đ. Đối với hai đơn vị Công đoàn Điện lực TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, Công đoàn Điện lực Việt Nam tặng thêm 100.000.000đ cho mỗi đơn vị để hỗ trợ thêm cho người lao động của địa phương. Ngoài ra còn huy động thêm lực lượng của các đơn vị khác đến các địa phương bị ảnh hưởng, cùng khắc phục hậu quả của bão gây ra.

Ngay trong chiều ngày 11/9/2024, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Chỉ thị liên tịch số 579/CTLT-EVN-CĐĐLVN kêu gọi toàn thể đoàn viên công đoàn, cán bộ, người lao động trong Tập đoàn đóng góp ủng hộ Quỹ ít nhất 01 ngày lương để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt. Chiều cùng ngày tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức phát động CBCNV-NLĐ ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lụt năm 2024.

z5825188512806-dc26a3a6d3591186f53cf541b91af600-1726189290.jpg

Phóng viên: Công tác hoạt động Công đoàn nói chung và hoạt động Công đoàn ngành điện nói riêng hiện đang gặp phải những vướng mắc rào cản nào, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Hùng: Khó khăn với hoạt động công đoàn của chúng tôi hiện nay chủ yếu vướng về quy định về mặt tài chính, tổ chức. Hiện nay đối với Công đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các Công đoàn một số ngành nghề khác chúng tôi đang bị vướng vào công tác tuyển dụng cán bộ. Chúng tôi là công đoàn doanh nghiệp để đưa về công đoàn công chức thì rất khó để tuyển dụng được người trưởng thành từ phong trào, cơ sở, có kiến thức hiểu biết về ngành nghề, có trình độ chuyên môn để gặp gỡ, đàm phán, thương lượng, đối thoại với các lãnh đạo doanh nghiệp. Chúng tôi đã có kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cả Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam để có cơ chế tháo gỡ về việc này.

Giống như các Công đoàn ngành đặc thù thuộc lĩnh vực hoạt khối DN, Công đoàn Điện lực Việt Nam đều đang gặp chung vấn đề vướng mắc về cơ chế tuyển dụng công tác cán bộ trưởng thành từ phong trào cơ sở.

Hiện nay có khoảng 20 công đoàn ngành thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các công đoàn khác như. Giáo dục, Công an, Y tế… thuận lợi hơn vì đặc thù của công đoàn các ngành này thuộc lĩnh vực công chức nhà nước, nên nguồn cán bộ đông hơn và được trưởng thành tử cơ sở. Chúng tôi là công đoàn doanh nghiệp với những ngành nghề đặc thù như: Điện, Than, Cao su, Hàng không, Dệt may, Hóa chất,… Chính vì thế để tuyển dụng cán bộ trưởng thành từ phong trào công đoàn cơ sở, có kiến thức chuyên ngành hiện đang là bài toán khó chưa có lời giải trong nhiều năm qua.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!