Theo trang tin Bloomberg, đây là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực lội ngược dòng của gã khổng lồ thương mại điện tử và trò chơi Đông Nam Á, đồng thời giúp các nhà đầu tư tin tưởng hơn về tiềm năng tạo ra lợi nhuận của công ty.
Cụ thể, công ty có trụ sở tại Singapore đã công bố khoản lợi nhuận ròng 426,8 triệu USD trong quý IV/2022 nhờ quyết tâm cắt giảm chi phí mạnh mẽ. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng doanh thu cùng quý của Sea tuy có chậm lại đáng kể nhưng vẫn vượt mức dự báo, tăng 7,1% lên 3,5 tỷ USD.
Sau thông tin này, cổ phiếu của Sea đã tăng hơn 10% vào đầu phiên giao dịch tại Mỹ.
Công ty mẹ của Shopee mới đây đã ghi nhận quý có lãi đầu tiên. Ảnh: Reuters.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, công ty Internet lớn nhất Đông Nam Á này đang dần vực dậy sau một năm 2022 đau đớn, khi lãi suất và lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng giảm mua sắm và người chơi game trực tuyến cũng ít chi tiêu hơn.
Trước tình thế đó, Sea đã mạnh tay thực hiện các biện pháp cắt giảm hàng nghìn việc làm vào năm ngoái để thuyết phục nhà đầu tư về khả năng tạo ra lợi nhuận của mình. Công ty này thậm chí còn đóng băng tiền lương của một số nhân viên và cắt giảm hơn 700 triệu USD từ chi phí bán hàng cũng như tiếp thị. Ngoài ra, công ty mẹ Shopee cũng quyết định đóng cửa các chi nhánh ở Ấn Độ và một số nước châu Âu nhằm cắt giảm chi phí và đạt được dòng tiền dương.
Theo Bloomberg, Sea đã có nhiều thay đổi rõ rệt so với mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá trước đây.
Chia sẻ về điều này, giám đốc điều hành Sea Forrest Li cho biết: "Dưới tình hình kinh tế bất ổn gần đây, chúng tôi phải theo dõi thị trường một cách cẩn thận hơn để liên tục điều chỉnh phương án hoạt động của công ty".
Được biết, sau đợt giảm tốc, doanh thu quý IV/2022 từ Shopee - đơn vị thương mại điện tử của Sea - đã tăng 32% và đạt mốc 2,1 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu từ mảng trò chơi của Garena sụt giảm nhưng doanh thu từ mảng kinh doanh dịch vụ tài chính số SeaMoney lại tăng gần gấp đôi.
Trước đó, Sea đã phải trải qua một năm khó khăn khi vốn hóa của gã khổng lồ thương mại điện tử tụt mất khoảng 166 tỷ USD kể từ đỉnh tháng 10/2021, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra.