Đắk Nông chú trọng đảm bảo an sinh xã hội

20 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh, Đắk Nông luôn xác định bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng, giúp cân bằng các mặt phát triển kinh tế - xã hội.

daknoong-1710212579.jpg

Đắk Nông luôn xác định bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng

Nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, được tỉnh Đắk Nông quan tâm ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chủ trương, ban hành nhiều cơ chế, chính sách về an sinh xã hội phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, điều kiện thực tiễn của tỉnh, có tính đột phá riêng, diện bao phủ ngày càng mở rộng và đi vào cuộc sống.

Trong đó, chính sách an sinh xã hội được tỉnh triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt, gồm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng (y tế, giáo dục, dạy nghề...); hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất; bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.

Cụ thể, hàng năm vào dịp tết nguyên đán, giáp hạt và những năm bị dịch bệnh, thiên tai, Sở LĐ-TB & XH tỉnh Đắk Nông đã chủ động tham mưu đề xuất UBND tỉnh trình Chính phủ xuất cấp gạo để hỗ trợ Nhân dân. từ nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành LĐ-TB & XH đã tham mưu hỗ trợ xây dựng hơn 4.300 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khó khăn khác. Nhờ những căn nhà này, nhiều hộ gia đình đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát, có động lực để vươn lên trong cuộc sống. Ngoài Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông đang chăm sóc, nuôi dưỡng 86 đối tượng bảo trợ xã hội thì còn có nhiều tổ chức, cá nhân cũng đứng ra nhận bảo trợ, chăm sóc nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế.

Đồng thời, Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là một hoạt động toàn diện, không chỉ riêng về vật chất mà còn có cả hoạt động chăm lo về tinh thần, trang bị kiến thức giúp các em tự bảo vệ mình. toàn tỉnh Đắk Nông có 196.971 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 29,3% tổng dân số, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi là 77.277cháu. hờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, việc huy động sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em của các đơn vị ngày càng có hiệu quả. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc ngày càng tăng (trên 95%); các mục tiêu trong chương trình bảo vệ trẻ em đều đạt và vượt chỉ tiêu của Trung ương, của tỉnh đề ra.

Song song đó, công tác giảm nghèo vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Đắk Nông. Trong 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Nông giảm từ 33,73% năm 2004 xuống còn 5,18% năm 2023. Kết quả này có được là sự cộng hưởng từ 3 yếu tố chính, gốm vai trò của Nhà nước; vai trò của cộng đồng xã hội và bản thân các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19, Đắk Nông đã thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp lúc khó khăn, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Đắk Nông.

Hiện nay, tỉnh có 12.191 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán và những năm bị dịch bệnh thiên tai, UBND tỉnh trình Chính phủ xuất cấp gạo để hỗ trợ Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, có 431.417 khẩu được hỗ trợ 6.003 tấn gạo. Trong giai đoạn 2008-2020, Đắk Nông đã hỗ trợ xây dựng 4.356 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khó khăn khác.

Cùng với ngân sách Nhà nước, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; tặng quà nhân dịp lễ, tết; trao sổ tiết kiệm, hỗ trợ đột xuất…

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Diện bao phủ BHXH và BHTN cũng không ngừng được mở rộng. Cụ thể, năm 2004, năm đầu thành lập, số thu BHXH, BHYT là 21.470 triệu đồng, với 26.533 người tham gia BHXH, BHYT, thì đến 6 tháng đầu năm 2023 thu BHXH, BHYT, BHTN được 547.182 triệu đồng với tổng số người tham gia là 561.357 người, đạt 91,65% kế hoạch BHXH Việt Nam năm 2023.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song những năm qua tỉnh đã dành một phần đáng kể các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó đã có khoảng 6.000 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở (thuộc Chương trình 134, 1592, 755); xây mới và cải tạo được 5.667 căn nhà (thuộc Chương trình 134).

Ngoài ra, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của Đắk Nông là 2.695 tỷ đồng. Riêng trong 2 năm 2022 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 1.285tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cho các xã, thôn, bon đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 giai đoạn 2021 - 2025 là 1.136 tỷ đồng, trong đó, năm 2023 là 481 tỷ đồng…

Với quan điểm đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển, thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn.