Động thái mới nhất của Daihatsu, Toyota sau khi thừa nhận lừa dối khách hàng trong 30 năm

Sau khi thừa nhận làm sai lệch dữ liệu trên 64 mẫu xe trong hơn 30 năm qua, Daihatsu - Công ty con của Toyota chính thức thông báo đóng cửa nhà máy tại Nhật Bản.

Theo Bloomberg, người phát ngôn của Daihatsu - công ty con của Tập đoàn Toyota đã đưa ra thông báo doanh nghiệp này sẽ ngừng mọi hoạt động đến hết tháng 1/2024.

Đây là động thái giúp Daihatsu có thêm thời gian tìm cách khắc phục hậu quả gây ra bởi bê bối gian lận kiểm tra an toàn xe mới bị phanh phui hồi tuần trước.

Quyết định trên ảnh hưởng đến 9.000 công nhân và hơn 8.000 nhà cung cấp. Daihatsu đã sản xuất khoảng 870.000 xe tại Nhật Bản vào năm ngoái, chuỗi cung ứng trị giá khoảng 2,2 nghìn tỷ yên (15 tỷ USD).

screenshot-1-1703733521.png
 

Ngoài ra, một số hãng xe Nhật Bản khác như Mazda, Subaru...đang sử dụng nhiều bộ phận trên những mẫu xe của họ do Daihatsu sản xuất cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Giám đốc điều hành Daihatsu Soichiro Okudaira cho biết tại cuộc họp báo ở Tokyo vào tuần trước: “Chúng tôi đã phản bội lòng tin của khách hàng, tất cả lỗi là ở ban quản lý.

Trước đó, vào ngày 20/12, hãng xe lớn nhất Nhật Bản cho biết Daihatsu - thương hiệu con của Toyota - sẽ dừng mọi hoạt động vận chuyển với tất cả các xe từ các nhà máy trên toàn cầu. Sự việc là hậu quả của bê bối an toàn liên quan tới 64 mẫu xe, gồm gần 20 mẫu được bán dưới thương hiệu Toyota.

Các cuộc điều tra ban đầu cho rằng Daihastu đã tùy chỉnh phần bên trong cửa xe của các mẫu xe được thử nghiệm nhằm giảm thiểu nguy cơ khi va chạm, giúp cửa xe không bị gãy, vỡ tạo thành dạng sắc nhọn, có thể làm bị thương người trên xe khi túi khí bên bung ra.

231226223730-daihatsu-factory-122623-1703733541.jpg
 

Daihatsu được thành lập tại Osaka vào năm 1907. Đến năm 1967, nhà sản xuất ô tô này chính thức được tiếp quản bởi Toyota.

Mặc dù ô tô Nhật Bản nổi tiếng về độ an toàn và độ tin cậy nhưng ngành công nghiệp này vẫn phải hứng chịu vô số vụ bê bối trong những năm qua.

Năm 2004, Mitsubishi Motors cuối cùng đã thú nhận đã che đậy những khiếm khuyết trên những chiếc xe của mình từ năm 1977. Các vấn đề tương tự sau đó cũng xuất hiện tại công ty con Fuso Truck and Bus, trở thành một trong những vụ bê bối doanh nghiệp tồi tệ nhất Nhật Bản.

Nissan, Suzuki, Mazda, Subaru và Yamaha Motors đều vướng vào các vụ bê bối kiểm tra và giả mạo dữ liệu từ năm 2017 đến 2018.

Công ty mẹ của Daihatsu là Toyota đã phải trả khoản bồi thường kỷ lục 1,2 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2014 về một loạt khiếu nại liên quan đến chân ga và các vụ tai nạn sau đó, theo Theguardian.