GDP quý I/2024 cao nhất cùng kỳ 4 năm, triển vọng nào cho năm 2024?

Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/3, GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 trong suốt 4 năm gần đây 2020-2023.

Lực đẩy từ công nghiệp xây dựng, du lịch, thương mại

Nhìn lại tốc độ tăng trưởng các quý cùng kỳ, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng GDP quý 1 các năm 2020-2023 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương.

“Kinh tế - xã hội quý 1/2024 của Việt Nam đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, điều này khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả”- Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định.

Lực đỡ cho nền kinh tế hiện nằm ở khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 6,28%. Nhờ các chính sách thúc đẩy đầu tư công, khu vực này đem lại giá trị, đóng góp gần 41,7% vào tăng trưởng chung cả nước. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước.

Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thương mại giúp lĩnh vực dịch vụ tăng 6,12% trong quý đầu năm và góp hơn 542,2% vào GDP. Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi chậm hơn, tăng 2,98%.

Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch.

Tính chung quý I, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong quý 1 là 1,2 triệu lượt, tăng 12%.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp, đạt hơn 178 tỷ USD. Mức này tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 17%, nhập khẩu gần 14%. Cán cân thương mại vẫn nghiêng về thặng dư, khi Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Động lực để năm 2024 tăng trưởng 6-6,5%

Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế, như Standard Chartered hay Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng kinh tế quý 1 của Việt Nam có thể đạt 5,5-6,1%. Các tổ chức nhận định, để đạt mục tiêu GDP 2024 tăng 6-6,5% còn nhiều thách thức.

Ảnh: Nguồn Tổng Cục Thống kê

Ảnh: Nguồn Tổng Cục Thống kê

Nhu cầu nội địa Việt Nam dần tích cực, nhưng thị trường bất động sản cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Chưa kể, nền kinh tế mở, Việt Nam cũng gặp bất lợi khi cầu thế giới vẫn yếu, xung đột địa chính trị khó lường.

Song vẫn có những dự báo lạc quan và không ít triển vọng cho thời gian tới. TS Jonathan Pincus của UNDP dự báo, trong ngắn hạn Việt Nam vẫn hưởng lợi từ giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao. Sau năm xuất khẩu nông sản thành công với gạo, giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh từ đầu năm đến nay.

Về trung và dài hạn, chuyên gia của Bloomberg Economics dự báo, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Việt Nam ở vị thế tốt để vượt trội, nhất là khả năng thu hút FDI, ổn định kinh tế - chính trị, lạm phát vừa phải và dân số trẻ.

Bà Tamara Henderson - chuyên gia kinh tế cao cấp Bloomberg Economics dự báo, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất từ giữa năm nay, tổng cộng khoảng 125 điểm cơ bản cho cả năm. "Động thái này có thể giúp các dòng vốn vào Việt Nam tốt hơn, áp lực tỷ giá cải thiện khi đồng VND mạnh lên và tạo điều kiện để NHNN hạ lãi suất điều hành" - bà Tamara Henderson nói.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, mục tiêu GDP 2024 còn nhiều thách thức khi các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 khó khăn hơn năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể thấp hơn năm nay.

Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế mà lâu nay Chính phủ vẫn đang thúc đẩy. Đó là thúc đẩy đầu tư công; duy trì, kích thích tổng cầu trong nước với quy mô dân số hơn 100 triệu người; vào xuất khẩu (phụ thuộc vào sự thích ứng của các doanh nghiệp trong nước về thay đổi xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất xanh để tăng xuất khẩu…); đổi mới thể chế, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch để thúc đẩy doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hoạt động, phát triển.

Về FDI, Tổng cục Thống kê đánh giá, đang diễn ra xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI, nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm tới những nước có môi trường thân thiện để đầu tư. Trong đó có nhiều tập đoàn đang đầu tư vào những ngành mới như chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI, điện, điện tử... Đây cũng là những ngành sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo cần được thúc đẩy.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2024, cả nước có 59.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giai đoạn này là 73.900 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước. Tính chung quý 1/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,81%. Trong đó, giáo dục tăng 9,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,51%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,20%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,40%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3.53%... Riêng bưu chính viễn thông giảm 1,46%.