Giá vàng miếng SJC tăng phi mã, lập đỉnh mới 84,82 triệu đồng/lượng

Chiều 9/4, giá vàng miếng SJC trong nước tăng phi mã, thiết lập mức đỉnh mới trên 84,82 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

 

z5331571942436-cf13478b1594a45b93fe30c1ae81ec42-1712660126.jpg

Cụ thể, tại thời điểm 17 giờ 15 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 82,8- 84,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 2,4 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 82,5- 84,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Như vậy, tại các cửa hàng đều nới rộng khoảng cách giữa giá mua và bán khá xa gần 3 triệu đồng/lượng.

Cùng đà tăng với giá vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn tại các doanh nghiệp vàng cũng đồng loạt tăng. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76,15 - 77,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 2,35 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 75,88 - 77,48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 2,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2,23 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng đang tăng phi mã trong khi sáng cùng ngày mỗi lượng vàng chỉ tăng 300 - 400 nghìn đồng; vàng nhẫn tăng từ 100-250 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Đặc biệt giá vàng miếng SJC liên tục phá vỡ các kỷ lục từ 82,72 triệu đồng/lượng lúc 9 giờ 30 phút sáng lên 82,9 triệu đồng/lượng lúc 11 giờ và 83,52 triệu đồng/lượng lúc 11 giờ 50 phút. Đến 17 giờ, giá vàng miếng SJC  đạt đỉnh mới 84,82 triệu đồng/lượng, tương tự vàng nhẫn ở mức 77,85 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Trước tình hình giá vàng trong nước biến động mạnh, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương; trong đó có yêu cầu quản lý mặt hàng vàng. Tại Nghị nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân  hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngân  hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Theo các chuyên gia tài chính, giá vàng nhẫn nói riêng và giá vàng nói chung tại Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây đầu tiên là do tác động của việc giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục đắt nhất lịch sử.

Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, giá vàng thế giới khả năng cao sẽ điều chỉnh giảm khi đã tăng quá nóng, kéo theo giá vàng trong nước cũng hạ. Do đó, thời điểm này, người dân có thể giữ vàng nhưng không nên quá ham "lướt sóng", bởi khi giá thế giới điều chỉnh sẽ kéo theo trong nước suy giảm trở lại. Thay vào đó nên chờ đợi khi giá vàng điều chỉnh xuống, mua sẽ được giá tốt hơn. Còn nếu mua bây giờ, thế giới và trong nước đều đang ở mức “đỉnh”, rủi ro khá lớn.

Giá vàng trong nước tăng phi mã cùng nhịp giá vàng thế giới. Chiều 9/4, giá vàng châu Á dao động gần mức đỉnh ghi nhận trong phiên trước và được hỗ trợ bởi hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương.
Theo đó, giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên mức 2.345,09 USD/ounce vào đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam, sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.353,79 USD/ounce vào ngày 8/4. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,5% lên 2.363,50 USD/ounce.

Ông Tim Waterer, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới đầu tư KCM Trade, cho biết vàng đang được ưa chuộng trên thị trường tài chính, với hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và dòng chảy đầu cơ thường xuyên đẩy giá lên mức cao hơn.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu lạm phát của nước này để tìm những tín hiệu mới về chính sách của ngân hàng trung ương này.