Kết phiên ngày 11/3, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết giá tại 80,2-82,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 500.000 đồng chiều mua và giữ nguyên chiều bán so với mở cửa cùng ngày.
Khoảng cách giữa chiều mua và chiều bán thu hẹp từ 2,5 triệu đồng về mức 2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn được niêm yết tại 68,9-70,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 550.000 đồng ở chiều mua vào, tăng 400.000 đồng ở chiều bán ra so với trước đó. Mức giá cao nhất vàng nhẫn ghi nhận tại 71 triệu đồng trong phiên ngày 8/3.
So với đầu năm, giá vàng nhẫn tăng gần 8 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 13%. Còn nếu chỉ tính riêng trong tuần này, vàng nhẫn trơn tại các doanh nghiệp trong nước có mức tăng khoảng 2,5-3 triệu đồng/lượng.
Từ cuối tháng 2, giá vàng trong nước liên tục có biến động với nhiều con số đầy bất ngờ, liên tiếp xô đổ các kỷ lục. Kỷ lục cũ vừa được lập thì ngay sau đó, kỷ lục mới lại xuất hiện.
Giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo giá vàng quốc tế. Hiện, giá vàng trong nước đắt hơn giá quốc tế 17 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đạt 2.183 USD, tăng 0,7 USD so với giá mở phiên 11/3. Trong phiên 9/3, có thời điểm vàng thế giới gần chạm mức 2.200 USD/ounce.
Theo CNBC News, hành trình lịch sử về giá vàng vẫn có thể được tiếp tục, đặc biệt khi các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho việc cắt giảm lãi suất.
Giá vàng trên thị trường đạt mức cao nhất kể từ năm 1979 vào ngày 9/3 sát mốc 2.200 USD/ounce.
Giá kim loại quý đã tăng trong những tuần gần đây đi cùng với sự gia tăng kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong tuần qua cho biết lạm phát "không còn xa" nữa để ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Vàng, thường được coi là tài sản "nơi trú ẩn an toàn" trong những thời điểm không chắc chắn về tài chính, đã tăng giá mặc dù lãi suất cao và USD khá mạnh.
Dữ liệu về lạm phát tiêu dùng (CPI) của tháng 2 của Mỹ sẽ được công bố trong hôm nay (12/3, theo giờ Mỹ).
Nếu dữ liệu "nóng hơn, cao hơn so với báo cáo của tháng trước, thì có thể sẽ gây ra một chút rắc rối cho thị trường vàng (và) có thể gây ra một áp lực bán ngắn hạn", Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định.
Theo ông Jim, kim loại quý này rất có thể vàng sẽ đạt mức cao mới trong tương lai gần. Các nhà giao dịch đang ước tính có khoảng 70% cơ hội về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6, theo công cụ CME FedWatch.
Giá USD tự do trái chiều với thị trường chính thức
USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - lùi về mốc 102,8 điểm, giảm 1,83% so với 6 tháng trước đó nhưng tăng 1,38% so với đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.972 đồng/USD, giảm 24 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.776 đồng đến 25.170 đồng.
Còn trên kênh giao dịch của các ngân hàng thương mại, giá bán USD quay đầu giảm 30-60 đồng. Ngân hàng lớn niêm yết giá tại 24.420-24.790 đồng/USD (mua - bán), giảm 20 đồng mỗi chiều so với trước đó. Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.445-24.910 đồng (mua - bán).
Các đầu mối quy đổi ngoại tệ niêm yết giá USD tại 25.500-25.700 đồng/USD (mua - bán), tăng 30 đồng ở chiều mua vào và tăng 150 đồng ở chiều bán ra so với trước đó.