Hãng xe Toyota đã gian lận thử nghiệm động cơ và túi khí như thế nào?

Vừa mới cam kết sửa sai từ vụ gian lận an toàn của Daihatsu vào đầu năm nay, Toyota lại tiếp tục đối mặt với một bê bối tương tự, làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch và tuân thủ quy định trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.

Sau bê bối của Daihatsu vào năm ngoái, Toyota tiếp tục vướng vào một bê bối tương tự khi Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) phát hiện 6 trường hợp gian lận trong thử nghiệm an toàn xe.

Theo báo cáo từ Toyota Motor toàn cầu, những sai phạm lần này liên quan đến việc thử nghiệm an toàn túi khí và động cơ.

Chiêu trò gian lận thử nghiệm của hãng xe Toyota

Theo Toyota, hiện có ba phương pháp xác thực trong quy trình chứng nhận an toàn thử nghiệm xe, bao gồm:

  • Người của tổ chức chứng nhận độc lập có mặt để chứng thực quá trình thử nghiệm. 
  • Nhà sản xuất tự tiến hành kiểm tra và gửi dữ liệu đến tổ chức chứng nhận. 
  • Nhà sản xuất gửi dữ liệu hợp lệ từ các thử nghiệm trong quá trình phát triển mẫu xe. 

Trong nhiều năm qua, Toyota đã vi phạm phương pháp thứ hai và thứ ba. Theo đó, trường hợp gian lận đầu tiên xảy ra vào năm 2014 và 2015 khi Toyota tự ý thay đổi phương pháp thử nghiệm an toàn của túi khí trên các mẫu xe Toyota Crown và Isis.

235252532toyota-4512-1717663736.jpg
 

Thay vì thử nghiệm va chạm trực tiếp theo quy định, hãng đã sử dụng phương pháp "hẹn giờ cho túi khí bung". Toyota biện minh rằng phương pháp này tạo ra các điều kiện va chạm nghiêm trọng hơn mức tiêu chuẩn. 

Tuy nhiên, hãng đã không tiến hành kiểm tra bổ sung trong điều kiện giống với chiếc xe được giao cho khách hàng mà gửi luôn dữ liệu từ quá trình phát triển đến tổ chức chứng nhận. Trước đó, Daihatsu cũng từng bị phanh phui việc bung túi khí không đúng kỹ thuật.

Trường hợp gian lận thứ hai xảy ra vào năm 2015, thời điểm hãng xe Nhật đang phát triển mẫu Toyota Corolla. Để xác nhận tổn thương phần đầu khi xảy ra va chạm giữa người đi bộ và xe, Toyota lẽ ra phải thử nghiệm ở góc 50 độ nhưng lại thực hiện ở góc 65 độ và cho rằng điều kiện này khắc nghiệt hơn.

2015-toyota-corolla-optimized-1717663736.jpg
 

Trường hợp gian lận thứ ba liên quan đến quá trình phát triển các mẫu xe Corolla, Sienta và Crown. Trong thử nghiệm xác nhận thiệt hại ở đầu và chân khi người đi bộ va chạm với ô tô, Toyota đã sử dụng dữ liệu ở bên phải cho các điểm đo bên trái và ngược lại.

Hơn nữa, dữ liệu từ một bên va chạm đã được dùng làm dữ liệu cho cả hai bên khi đăng ký chứng nhận an toàn xe. Hãng xe Nhật cho rằng dù không tuân theo quy cách nhưng kết quả va chạm giữa hai bên xe không có sự khác biệt.

Trường hợp gian lận thứ tư xảy ra khi Toyota đang phát triển mẫu xe Crown 2014 và Sienta 2015. Cụ thể, hãng đã sử dụng xe đẩy giả lập nặng hơn tiêu chuẩn trong cuộ thử nghiệm nhằm xác nhận rò rỉ nhiên liệu do va chạm phía sau.

Trường hợp gian lận thứ năm xảy ra trong quá trình phát triển mẫu Yaris Cross vào năm 2020. Khi thực hiện kiểm tra hư hỏng ở hàng ghế sau do chuyển động của hàng hóa khi va chạm, Toyota đã tự ý thêm nhiều hàng hóa hơn so với quy định.

2021-toyota-yaris-cross-1717663736.jpg
 

Trường hợp cuối cùng liên quan đến bài kiểm tra chứng nhận hiệu suất vận hành trong quá trình phát triển động cơ cho mẫu xe Lexus RX 2015. 

Khi không đạt kết quả mong muốn, Toyota đã điều chỉnh bộ điều khiển máy tính và sử dụng dữ liệu giả để nộp cho cơ quan chức năng.

Danh tiếng của Toyota bị ảnh hưởng nặng nề

Những phát hiện này đã giáng một đòn nặng nề vào uy tín của Toyota, nhất là khi hãng vừa được đánh giá là thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu năm 2023. 

Trong khi đó, Lexus - thương hiệu con của Toyota - cũng đã được công ty Kelley Blue Book vinh danh là thương hiệu xe hạng sang đáng tin cậy nhất 2024, tức năm thứ 9 liên tiếp.

Trong cuộc họp báo vào ngày 03/06, Chủ tịch Toyota - ông Akio Toyoda - đã cúi đầu xin lỗi và phát biểu: "Tôi không nghĩ có thể loại bỏ hoàn toàn những bất thường. Nhưng khi những sai lầm này xảy ra, điều chúng ta cần làm là dừng lại và sửa chữa".

665ef6db36e30-1717663736.jpg
 

Được biết, Toyota vẫn duy trì cơ chế cho phép nhân viên tố giác hành vi sai trái thông qua "Đường dây nóng". Tuy nhiên, vụ bê bối mới nhất không được phát hiện bởi những tố cáo nội bộ mà qua một cuộc điều tra theo yêu cầu của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

Nhiều hãng xe Nhật khác cũng vướng vào bê bối

Không chỉ Toyota, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác như Honda, Mazda và Suzuki cũng đã bị phanh phui các gian lận trong thử nghiệm kiểm tra an toàn xe.

Theo đó, Honda đã dùng trọng lượng mẫu xe thử nghiệm vượt giới hạn hợp pháp và chỉnh sửa kết quả thử nghiệm trong quá trình thử nghiệm tiếng ồn từ tháng 02/2009 - 10/2017.

Ngoài ra, hãng còn chỉnh sửa kết quả thử nghiệm công suất và mô-men xoắn trong khoảng thời gian từ tháng 05/2013 - 06/2015. Trong khi đó, Mazda bị phát hiện sử dụng thiết bị bên ngoài để điều chỉnh thời gian bung túi khí.

665db2f762b26-1717663736.jpg
 

Còn Suzuki, hãng chỉ gian lận trên một mẫu xe duy nhất là Alto thế hệ cũ. Hãng xe này cho biết khoảng cách dừng thực tế trong các bài kiểm tra phanh dài hơn so với số liệu ghi nhận, do áp lực đặt lên bàn đạp phanh không đủ mạnh để đạt các tiêu chuẩn pháp lý. 

Những vụ bê bối này đã tạo ra một chuỗi phản ứng tiêu cực trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và tuân thủ quy định an toàn của các nhà sản xuất.