Các công ty bảo hiểm khốn đốn vì ô tô quá hiện đại
Theo trang Carscoops ngày 3/6, chi phí sửa chữa ô tô tại Mỹ đang tăng cao chóng mặt. Dữ liệu mới cho thấy 21% các vụ tai nạn ô tô cần được bảo hiểm chi trả, gấp 5 lần so với năm 1980.
Một số chuyên gia dự đoán rằng con số này có thể tăng lên 30% khi thiết kế và công nghệ ô tô ngày càng phức tạp hơn.
Vì sao chi phí sửa chữa xe hơi ngày càng tăng cao?
Các hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (ADAS) được thiết kế để bảo vệ hành khách lại trở thành nguyên nhân chính làm tăng chi phí sửa chữa khi xe gặp va chạm. Công nghệ sử dụng trong các hệ thống này đắt đỏ đến mức các công ty bảo hiểm phải cân nhắc lại việc sửa chữa.
Dữ liệu từ tổ chức Giải pháp thông minh CCC, được đăng tải trên Bloomberg, cho thấy việc thay thế các cảm biến và camera cần thiết để ADAS hoạt động - ví dụ như với tính năng phanh tự động và hỗ trợ giữ làn đường - cùng với quá trình hiệu chỉnh, khiến chi phí sửa chữa tăng thêm hàng nghìn USD.
Điều này làm cho chi phí sửa chữa vốn đã cao nay còn cao hơn do chi phí nhân công và vật liệu tăng.
Báo cáo cũng lưu ý rằng, mặc dù chi phí sửa chữa xe điện cao nhưng tổng chi phí vẫn ít hơn so với xe chạy động cơ đốt trong. Tuy nhiên, giá trị của xe điện bị giảm nhiều hơn sau va chạm. Sự mất giá này là mối lo lắng đối với những chủ sở hữu đã mua xe điện trong thời kỳ đại dịch và hiện vẫn đang trả góp. Bảo hiểm bổ sung có thể giúp giảm thiểu thiệt hại này nhưng chi phí không hề rẻ.
Trong khi đó, các công ty đấu giá xe hơi đã qua sử dụng như Copart lại hưởng lợi từ tình huống này. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 23% trong năm qua và tăng 1.110% trong một thập kỷ. Nếu tỷ lệ ô tô bị hỏng tiếp tục tăng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ bùng nổ, ít nhất là cho đến khi các nhà sản xuất ô tô tìm ra cách làm cho ADAS hiệu quả hơn để giảm số vụ tai nạn.
ADAS dần trở thành tiêu chuẩn trên thị trường ô tô?
ADAS (Advanced Driver Assistance Systems) là Hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao, gồm các công nghệ tiên tiến hỗ trợ người lái trong việc điều khiển phương tiện an toàn và hiệu quả hơn. ADAS sử dụng các cảm biến như camera, radar, lidar để nhận biết môi trường xung quanh và đưa ra các cảnh báo hoặc can thiệp tự động khi cần thiết.
Tại Việt Nam, các tính năng hỗ trợ lái hiện đã trở nên thông dụng trên các dòng ô tô đời mới. Ví dụ, Toyota Vios (sedan cỡ B) phiên bản nâng cấp 2023 đã được giới thiệu tới khách hàng Việt Nam với tính năng cảnh báo tiền va chạm (PCS) và cảnh báo lệch làn đường (LDA). Hay như mẫu xe gầm cao cỡ B VinFast VF 5 Plus sở hữu hệ thống giám sát, cảnh báo giao thông phía sau, cảnh báo điểm mù, cảnh báo luồng giao thông đến khi mở cửa,...
Những mẫu SUV hơn 1 tỷ đồng như Ford Everest được trang bị hệ thống hỗ trợ đỗ xe tự động 2.0, cho phép xe thực hiện thao tác mà người lái không cần điều khiển vô lăng hay chân ga.
Đến nay, ADAS dần trở thành tiêu chuẩn mới về an toàn của phần lớn phân khúc ô tô, cũng như là một yếu tố được nhiều hãng xe tập trung nhấn mạnh khi giới thiệu sản phẩm mới.
Các công nghệ này giúp người lái điều khiển xe thuận tiện hơn, nhưng nếu xảy ra va chạm, việc sửa chữa sẽ phức tạp hơn do cần kiểm tra các radar xung quanh xe và yêu cầu sự can thiệp của đội ngũ kỹ thuật tại các đại lý chính hãng, dẫn đến chi phí tăng cao.