Hội nghị lần này nhằm cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 gắn với thực hiện những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa được nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị là tiền đề quan trọng giúp Tỉnh ủy Khánh Hòa nghiên cứu, ban hành nghị quyết chuyên đề về phát huy giá trị văn hóa, con người Khánh Hòa góp phần xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cũng như chuẩn bị các nội dung về xây dựng văn hóa, con người trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu: “Các phát hiện khảo cổ học cho thấy, ngay từ buổi bình minh của lịch sử, con người đã cư trú ở Khánh Hòa. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết cư trú của họ ở Dốc Gạo (Khánh Sơn), Xóm Cồn, Hòa Diêm (Cam Ranh), Diên Sơn (Diên Khánh), Hòn Tre (Nha Trang) và một số nơi khác. Mỗi tộc người ở Khánh Hòa có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng từ lâu đời nhưng tất cả đều được thống nhất trong đa dạng và phát triển trong nền văn hóa chung. Tiêu biểu như tục thờ Bà chúa xứ sở Yang Pô Inư Nagar, tức bà Thiên Y A Na là sự giao thoa của văn hóa người Chăm và người Việt. Gắn với các tín ngưỡng dân gian là các lễ hội. Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 20 đến 23/3 Âm lịch hàng năm, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách tới hành hương, tham quan là điểm nhấn độc đáo của văn hóa, du lịch Khánh Hòa.
Khánh Hòa hiện có 17 di tích xếp hạng quốc gia, 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (trong đó có Khánh Hòa) vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 01 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia là Bộ sưu tập Đàn đá Khánh Sơn. Nhiều công trình di tích văn hóa, lịch sử được đầu tư trùng tu nâng cấp như: Văn miếu Diên Khánh, Thành cổ Diên Khánh, Tháp bà Ponagar Nha Trang, Địa điểm lưu niệm tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển)…
Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 34NQ/TU, ngày 22/12/2023 về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này một lần nữa khẳng định sâu sắc mục tiêu “xây dựng, gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, vì lợi ích của toàn xã hội; sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, làm giàu văn hóa truyền thống Việt Nam”.
Tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nổi bật như: Kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023) và 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924 - 2024), Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024; phối hợp Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Điện ảnh Cánh diều năm 2022; phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chuỗi sự kiện liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023… Đặc biệt, Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa, đã trở thành thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, hội nghị là một dịp quan trọng để Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cơ quan chuyên môn, các địa phương, cơ quan, đơn vị, những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta về văn hóa. Đồng thời, cùng nhau trao đổi, làm rõ, xác định giải pháp, định hướng có tính đột phá nhằm phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam gắn với xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân cũng như yêu cầu ngày càng cao của việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, gắn với phát triển kinh tế, du lịch đòi hỏi nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, cần có nhiều sự kiện, dịch vụ văn hóa độc đáo, bản sắc và đổi mới công tác truyền thông hơn, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hơn, để những giá trị văn hóa, kể cả văn hóa truyền thống được lan tỏa, gắn liền với cuộc sống đương đại.
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến dự và cho ý kiến: ”Xây dựng hệ giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Khánh Hòa trong thời đại mới không tách rời nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam nói chung, đồng thời cần chú ý đến những nét đặc trưng của vùng đất, văn hóa, con người nơi đây trong mối liên hệ tổng thể giá trị văn hóa của đất nước; chú ý tính đa dạng, giao thoa văn hóa của vùng đất Khánh Hòa; nét đặc trưng văn hóa tộc người; việc phát huy không gian văn hóa xứ Trầm Hương, văn hóa Yến Sào Khánh Hòa...
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã trực tiếp phát biểu, thảo luận, với tinh thần dân chủ, khoa học, thẳng thắn về kết quả triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, bất cập; nguyên nhân khách quan, chủ quan; rút ra các bài học kinh nghiệm; nhận diện thời cơ, thách thức và những vấn đề đang đặt ra. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mới, tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người Khánh Hòa trong giai đoạn mới… Trong đó, tập trung chủ yếu vào 02 nhóm vấn đề chính là Chính sách phát triển văn hóa và vấn đề xây dựng đời sống văn hóa; Đổi mới các hoạt động, dịch vụ văn hóa và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh cũng đã tặng bằng khen cho 26 cá nhân và 12 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 NQ-TW./.