Chiều ngày 5/6, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra khi một chiếc Hyundai Creta màu đỏ bị tàu hỏa đâm trúng phần đầu xe, đẩy đi một đoạn khá xa và khiến đầu xe hư hỏng nặng.
Vụ việc xảy ra khi chủ xe đã đỗ chiếc ô tô biển số Hà Nội ngay sát đường tàu và đã rời khỏi xe, không kịp di chuyển xe khi tàu hỏa đi đến.
Hình ảnh hiện trường cho thấy toàn bộ cản trước và lưới tản nhiệt bị rơi ra, cụm đèn trước hư hỏng hoàn toàn, nắp ca-pô bị biến dạng mạnh và gương bên phụ cũng bị vỡ. Nhiều người nhận định động cơ, cột A và khung sườn của xe cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Bên cạnh sự tiếc nuối và chia buồn với chủ xe, nhiều người đặt ra câu hỏi: "Liệu chiếc xe này có được bảo hiểm bồi thường?"
Trong trường hợp này, một giám đốc công ty chuyên tư vấn về quyền lợi bảo hiểm tại quận Hà Đông, Hà Nội đã có những chia sẻ cụ thể.
Nhiều người cho rằng vì xe đỗ sát đường ray tàu hỏa nên vi phạm luật giao thông theo khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, do đó không được bảo hiểm đền bù. Tuy nhiên, đây chưa phải là căn cứ đầy đủ.
Trước tiên, để được đền bù, chủ xe phải mua bảo hiểm vật chất. Sau đó, nếu xe này đã được mua bảo hiểm, việc xác định có được đền bù hay không phải dựa vào hợp đồng bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm có hai nội dung quan trọng nhất để xác định trách nhiệm bảo hiểm. Thứ nhất, điều kiện cần là tổn thất phải do các rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm ghi rõ trong hợp đồng/quy tắc bảo hiểm gây ra.
Thứ hai, điều kiện đủ là tổn thất không thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Trong trường hợp này, chiếc Hyundai Creta bị tàu hỏa đâm thỏa mãn điều kiện cần vì đây là rủi ro xe bị đâm va, một rủi ro được bảo hiểm. Tuy nhiên, cần xem xét điều khoản về các trường hợp loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm.
Trong quy tắc bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, không loại trừ trường hợp đỗ xe vi phạm trong hành lang an toàn đường sắt.
Dù nhiều người cho rằng xe vi phạm luật giao thông, hợp đồng bảo hiểm là thỏa thuận dân sự và các sự việc sẽ phải căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm để xem xét trách nhiệm bảo hiểm.
Bên cạnh đó, có một số công ty bảo hiểm ghi rõ điểm loại trừ gần với trường hợp này, đó là xe ô tô bị tổn thất khi dừng, đỗ tại nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ. Theo hình ảnh video ghi lại, khu vực này không có biển cấm dừng, cấm đỗ, nên không thuộc các trường hợp loại trừ.
Nếu khu vực này có biển cấm dừng đỗ, cần xem lại hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa công ty bảo hiểm và chủ xe.
Nếu hợp đồng không loại trừ trường hợp này, chủ xe vẫn được đền bù bình thường. Công ty bảo hiểm muốn từ chối bồi thường phải có văn bản và căn cứ rõ ràng, không được từ chối qua điện thoại hay từ chối bằng lời nói.