Kiên Giang: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, hiện toàn tỉnh Kiên Giang có 33.967 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó số có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học chiếm 84,85%.
3-kien-giang-1729868200.jpg
Ảnh: Trường Cao đẳng Kiên Giang

Bài 4: Nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần rút ngắn khoảng cách tụt hậu, duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững

Nguồn nhân chất lực lượng cao là lực lượng tinh túy, có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Đây là bộ phận lao động có phẩm chất thái độ đúng; có sức khỏe; có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao hoặc có kỹ năng lao động giỏi; có năng lực sáng tạo; biết vận dụng những tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào trong quá trình lao động sản xuất; nhằm đem lại năng suất và hiệu quả cao, bảo đảm thành công cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra hết sức mạnh mẽ.

Quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trên địa bàn tỉnh trong những năm qua luôn được các cấp, các ngành chú trọng, quan tâm, chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành nghề mũi nhọn và ngành nghề có tiềm năng, phát triển của tỉnh.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, hiện toàn tỉnh Kiên Giang có 33.967 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó số có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học chiếm 84,85%.

Kiên Giang có 38,87% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi; 40,6% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Tỉnh có 52,36% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, cấp xã dưới 40 tuổi; có 99,8% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và cơ bản được chuẩn hóa về lý luận chính trị, kỹ năng công tác.

Năm 2023, Kiên Giang có 35 tiến sĩ, 1.851 thạc sĩ. Nhóm ngành kinh tế có 811 người trình độ sau đại học, gồm 16 tiến sĩ và 795 thạc sĩ, trong đó có ngành nông nghiệp 228 người (tiến sĩ 09 người, thạc sĩ 219 người); ngành công nghiệp, xây dựng 98 người (tiến sĩ 02 người, thạc sĩ 96 người); ngành thương mại, dịch vụ là 328 người (tiến sĩ 01 người, thạc sĩ 327 người); ngành tài nguyên môi trường 53 người (tiến sĩ 01 người, thạc sĩ 52 người); ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông 104 người (tiến sĩ 03 người, thạc sĩ 101 người).  

Nhóm ngành văn hóa xã hội có 787 người trình độ sau đại học, gồm 15 tiến sĩ và 772 thạc sĩ, trong đó, ngành văn hóa, thông tin, thể dục thể thao 48 người (tiến sĩ 04 người, thạc sĩ 44 người); ngành y tế 121 người (tiến sĩ 07 người, thạc sĩ 114 người); ngành giáo dục 618 người (tiến sĩ 04 người, thạc sĩ 614 người.

Nhóm ngành xây dựng hệ thống chính trị có 288 người trình độ sau đại học, gồm 04 tiến sĩ và 284 thạc sĩ, trong đó, ngành hành chính công, quản lý công, chính sách công 99 thạc sĩ; ngành Đảng, chính trị, Nhà nước 169 người (tiến sĩ 03 người, thạc sĩ 166 người); ngành tôn giáo, dân tộc 20 người (tiến sĩ 01 người, thạc sĩ 19 người).

Theo ThS Lâm Phước Hải, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, có được kết quả đáng mừng trên là do nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cơ bản được quy hoạch gắn với đào tạo, bố trí vị trí việc làm phù hợp đã phát huy được năng lực, hiệu quả công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng đã chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm với ngành nghề mũi nhọn, ngành nghề có tiềm năng phát triển của tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư xây dựng; cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng quy mô đào tạo. Bên cạnh đó, công tác ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

ThS Tô Thị Trúc Giang, Trưởng Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, cho biết, dưới sự lãnh của Tỉnh ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Kiên Giang không ngừng phát triển và đạt nhiều kết quả khá toàn diện. Kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016 - 2020 tăng 7,22% năm; 2021-2023 tăng 5,29%/ năm. Thu nhập bình quân từ 1.725 USD năm 2010 lên 3.084 USD năm 2023 (tương đương 73,74 triệu đồng, tăng 17 triệu đồng so năm 2020), nằm trong top đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục đạt mức khá vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước. Các chính sách an sinh xã hội, người có công hoạt động đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt, hộ nghèo còn 1,28%.

ThS Nguyễn Tuấn An, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của Kiên Giang không ngừng tăng trưởng. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 73.377 tỷ đồng, vượt 0,68% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng 6,79% (kế hoạch 6,5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, so với cùng kỳ: Nông - lâm nghiệp - thủy sản, chiếm 37,02%; công nghiệp - xây dựng, chiếm 20,53%; dịch vụ chiếm 37,53% và thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,92%. Ước tổng thu ngân sách hơn 15.120 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch, tăng 26,8% so cùng kỳ.

Kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ vững đà phát triển khá, tốc độ tăng trưởng từ 1,21% năm 2021 lên 7,7 vào năm 2022 và năm 2023 đạt 6,79%, đứng thứ 06/13 tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thứ 31/63 tỉnh, thành trong cả nước; triển khai thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bước đầu có hiệu quả; công nghiệp tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; dịch vụ, thương mại, du lịch, kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ; kinh tế tập thể tiếp tục phát triển; các chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,29%, đời sống nhân dân khu vực nông thôn từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường, tạo đà cho phát triển những năm tiếp theo.

Chỉ số PAPI năm 2023 của Kiên Giang đạt 40,9892 điểm, xếp hạng 44/63 trên toàn quốc và tăng 9 bậc so năm 2022. Riêng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang xếp thứ 6/13 tỉnh, thành phố.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục nâng lên; công tác tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường

Mục tiêu chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đã khắc phục được mâu thuẫn giữa phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu của từng loại nhân lực phù hợp. Chiến lược Phát triển nguồn nhân lực cũng đã xây dựng được lộ trình thực hiện một cách hợp lý, có tính dự báo cao, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách toàn diện và đồng bộ. 

Tỉnh Kiên Giang cũng đã phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với nhu cầu xã hội và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn của tỉnh. Tỉnh cũng đã từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, thúc đẩy phân tầng, phân luồng, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

Tỉnh Kiên Giang cũng đã thực hiện tốt cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; coi trọng đào tạo đại học và trên đại học, cao đẳng và dạy nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế. Tạo chuyển biến nhanh và rõ nét trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề công lập; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.

Ông Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết, từ năm 2014 đến nay các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức 488 đợt tập huấn chuyển giao khoa học; mở 217 lớp dạy nghề nông nghiệp. Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng các cấp: Chủ tịch nước tặng 01 Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng 01 bằng khen, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc cho 5 cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 54 tập thể và 391 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; chủ tịch UBND cấp huyện tặng giấy khen cho 134 tập thể và 1.355 cá nhân; chủ tịch UBND cấp xã biểu dương, khen thưởng cho 3.525 lượt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Đến nay, toàn tỉnh có 111/116 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 7 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tại huyện Giang Thành, trong thời gian qua, trên cơ sở các văn bản Trung ương, Tỉnh ủy về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Giang Thành đã chỉ đạo các cấp ủy xây dựng quy hoạch cán bộ, trên cơ sở kế thừa nguồn quy hoạch của nhiệm kỳ trước, tiếp tục rà soát, bổ sung nguồn mới để thực hiện quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Trong công tác quy hoạch đã quán triệt tốt phương châm “động” và “mở”, kết hợp tốt 03 độ tuổi, chú trọng quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Cán bộ, công chức, viên chức của huyện được đào tạo theo hướng chuẩn hóa, phù hợp với từng vị trí công tác, chức danh quy hoạch. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị 286 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể: Chuyên môn: Thạc sĩ 14 đồng chí, đại học: 66 đồng chí; lý luận chính trị 206 đồng chí, trong đó cao cấp 26 đồng chí, trung cấp 62 đồng chí, sơ cấp 118 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 38 đồng chí, trong đó có 12 đ/c có trình độ thạc sĩ, 26 đồng chí trình độ đại học, 38 đồng chí có trình độ cao cấp chính trị.

Tại huyện An Minh, Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý 142 đồng chí, trong đó, trình độ chuyên môn thạc sĩ 32 đồng chí, đại học 110 đồng chí. Nguồn cán bộ, công chức, viên chức hành chính toàn huyện có 282 đồng chí, trong đó, trình độ chuyên môn thạc sĩ 16 đồng chí, đại học 240 đồng chí. Trình độ lý luận chính trị, cao cấp 15 đồng chí, trung cấp 256 đồng chí.

Theo ông Trần Quốc Việt, Bí thư uyện ủy Kiên Hải, tại huyện Kiên Hải, cấp huyện có 98,94% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện có trình độ đại học trở lên, trong đó, có 26,6% có trình độ sau đại học; 74,47% có cao cấp lý luận chính trị; cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt 98,17%. Cấp xã, 100% cán bộ lãnh đạo quản lý có trình độ đại học và 62,5% có trình độ chính trị cao cấp; 83,33% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học; 81,11% có lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đơn vị sự nghiệp có 93,36% viên chức có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

ThS. Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận, những năm qua, công tác cán bộ được cấp ủy và các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đi vào thực chất và toàn diện hơn, đã xác định rõ hơn các tiêu chuẩn chức danh trước khi cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Từ đầu nhiệm kỳ (2020-2025) đến nay, huyện đã cử 38 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 130 cán bộ trung cấp lý luận chính trị; 09 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và 32 cán bộ, công chức bồi dưỡng cấp phòng. Mở tại huyện 125 lớp tập huấn, bồi dưỡng với 6.321 lượt học viên. Chú trọng việc bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ trẻ có triển vọng xuống công tác ở cơ sở và ngược lại, ngành này qua ngành khác để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận, lâu dài; chủ động nguồn cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Kết quả, từ nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025, toàn huyện đã điều động, bộ nhiệm 107 lượt cán bộ, luân chuyển 15 cán bộ. 

Đến nay, 98,77% cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học trở lên; đối với cấp cơ sở (xã, thị trấn), nhiệm kỳ 2020-2025, trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 92,37% (tăng 78,63 so với đầu nhiệm kỳ 2015-2020) và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 98,31% (tăng 36,15% so với đầu nhiệm kỳ 2015-2020). Cấp ủy huyện nhiệm kỳ 2020-2025, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt 100%; lý luận chính trị cử nhân, cao cấp đạt 100%.

Có thể thấy rằng, với sự quan tâm và chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp của các cấp, các ngành, địa phương, tỉnh Kiên Giang từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thắng lợi đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “duy trì tỉnh Kiên Giang là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.