Múa rối nước với môi trường diễn xướng đặc biệt trên mặt nước đòi hỏi ở người nghệ sĩ những yêu cầu khắt khe hơn so với những hình thức biểu diễn sân khấu khác. Theo đuổi được với nghề múa rối nước là một hành trình dài của những nỗ lực luyện tập, học hỏi trau dồi kinh nghiệm của nghệ sĩ và để làm được điều này thì đam mê với nghề thôi là chưa đủ mà cần phải có một trái tim với tình yêu văn hóa truyền thống cháy bỏng.
Những khó khăn thử thách
Là một người với hơn 25 năm công tác trong ngành múa rối nước đạo diễn, NSƯT Bạch Quốc Khanh chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên của nghệ sĩ múa rối nói chung và múa rối nước nói riêng trước tiên là đối tượng biểu diễn. Với các loại hình sân khấu khác nghệ sĩ là người trực tiếp trình diễn còn với múa rối thì nghệ sĩ không phải là người xuất hiện trên sân khấu mà gián tiếp biểu diễn thông qua con rối. Người nghệ sĩ phải dùng tài năng của mình để những con rối vô tri biểu diễn một cách thật cảm xúc và toát lên cái hồn của nhân vật. Điều này ở cả loại hình nghệ thuật rối cạn và rối nước đều gặp phải”.
Cũng theo nghệ sĩ Quốc Khanh, múa rối cạn đơn giản hơn là môi trường biểu diễn sân khấu trên mặt đất, so với môi trường dưới nước của múa rối nước. Các hoạt động thông thường của con người đều diễn ra trên mặt đất vì vậy hoạt động trong môi trường nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong những tháng mùa đông hay khi lưu diễn ở nước ngoài việc ngâm mình trong nước lạnh trong nhiều giờ đồng hồ là một trong những thách thức đối với sức khỏe và khả năng chịu đựng của người nghệ sĩ.
Ngoài việc phải tự bảo vệ mình trước những khó khăn của thời tiết của khói, hơi nước có một điều mà người nghệ sĩ múa rối nước luôn luôn phải rèn luyện mới có thể thích nghi được đó là sức nặng của con rối.
Những con rối thông thường chỉ tầm một vài cân nhưng có những con rối nặng lên tới 20-30kg. Điều khiển các con rối dưới áp lực nước là điều không dễ dàng nhất là khi rối ngâm lâu dưới nước hút nước trở nên nặng và có điều khiển. Điều này đồng nghĩa với việc lực bỏ ra cho cùng một vai diễn càng về sau càng phải nhiều hơn với tần suất biểu diễn nhiều. Khán giả khi xem múa rối nước chỉ thấy con rối xuất hiện mềm mại, uyển chuyện tự nhiên sẽ khó có thể hình dung ra được người nghệ sĩ để có một tiết mục thành công đã phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian sự kiên nhẫn cũng như phải có sự tự hào, tình yêu với nghệ thuật truyền thống, văn hóa truyền thống thì mới làm được điều đó.
"Ngoài ra với những người nghệ sĩ khó khăn nhất theo cá nhân tôi đó chính là việc giữ lửa đam mê với nghề. Vì như tôi đã làm việc suốt 25 năm thì thời gian bào mòn đi tất cả mọi loại cảm xúc. Dù là danh xưng NSƯT, NSND thì trong suốt thời gian với nghề cũng sẽ có những lúc không trọn vẹn" - NSƯT Bạch Quốc Khanh tâm sự.
Anh Quốc khanh cho biết thêm, sau những giây phút đó người nghệ sĩ lại tự nhóm ngọn lửa cảm xúc với nghề lên nhờ sự tự hào vì những cống hiến với nghệ thuật, sự ghi nhận của khán giả và quan trọng nhất chính là tình yêu với văn hóa truyền thống trong mỗi người nghệ sĩ. Hình ảnh hàng dài khách xếp hàng ở nhà hát múa rối và thanh âm của những tràng pháo tay giòn giã là một trong những động lực để người nghệ sĩ giữ được nguồn cảm hứng để tiếp tục gắn bó với nghề.
Nhân lực kế cận được tuyển từ nhiều nguồn
Để biểu diễn một tiết mục thành công, thuần thục, tự nhiên người nghệ sĩ đầu tiên phải được học các kỹ năng cơ bản về diễn xuất sau đó tiếp tục làm quen với môi trường làm việc dưới nước mất độ nửa năm.
Tiếp theo nữa là làm quen với tiết mục múa con rối và để điều khiển một con rối có thể mất từ ba đến sáu tháng. Nhưng để biểu diễn thành công một con rối có khi phải mất đến hàng chục năm thậm chí có những người cả đời chỉ biểu diễn một vai nhưng càng biểu diễn nhiều càng trải nghiệm càng hiểu và thăng hoa với nhân vật hơn. Chính vì vậy việc đào tạo lớp nghệ sĩ kế cận luôn là một trong những yêu cầu được đặt ra để giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống này.
Trước đây nghệ thuật múa rối nước truyền thống cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác chèo, tuồng, cải lương đa số là không có được đào tạo bài bản mà học theo hình thức truyền nghề. Các nghệ sĩ sẽ tìm kiếm, gặp gỡ những người trẻ có đam mê, năng khiếu với nghề và tiến hành cầm tay chỉ việc để truyền nghề. Sau này khi chuyên nghiệp hóa nguồn đào tạo, trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội là nơi đào tạo các nghệ sĩ biểu diễn chuyên ngành múa rối chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ở trình độ đại học.
Khó khăn đối với các nghệ sĩ trẻ theo đuổi nghệ thuật múa rối nước ở chỗ khi tiếp cận và làm việc ở trong môi trường của một môn nghệ thuật truyền thống như múa rối nước họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ môi trường làm việc, đặc thù công việc, khó khăn cả về cách nhìn nhận đánh giá của xã hội với công việc của mình. Do đó không phải là nghệ sĩ trẻ nào cũng có được kiên nhẫn và đam mê để theo đuổi đến cùng
Để có thể tuyển chọn được nhiều nghệ sĩ biểu diễn chất lượng, anh Khanh cho biết, Nhà hát Múa rối Thăng Long tuyển diễn viên từ các nguồn khác nhau, xuất thân từ diễn viên chèo, diễn viên cải lương, kịch, múa… cũng có thể tham gia để trở thành diễn viên múa rối. Lực lượng nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Múa rối Thăng Long khá nhiều và các em đều là những người có năng khiếu, tình yêu, đam mê. Đa số các em sau một thời gian tập luyện đều trở thành nghệ sĩ biểu diễn múa rối nước chuyên nghiệp.
Đối với các loại hình nghệ thuật như chèo, tuồng, cải lương thì nguồn cung cấp diễn viên ở các trường sân khấu và đầu vào thi tuyển vào càng ngày càng ít nhưng với nghệ thuật múa rối đặc biệt là múa rối nước thì nguồn cung cấp diễn viên cho nhà hát thì tương đối đầy đủ. Đây cũng là một trong những may mắn của múa rối nước so với những loại hình nghệ thuật truyền thống khác.
Ngoài những khó khăn trong làm nghề múa rối nước cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác phải đối mặt với những thách thức trong thời đại công nghệ 4.0. Mời các bạn theo dõi kỳ cuối của loạt bài viết về nghệ thuật múa rối nước với tiêu đề “Truyền thông trong thời đại mới đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với khán giả”.
Còn tiếp...