Kỳ 3: Truyền thông trong thời đại mới đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với khán giả

Truyền thông cho nghệ thuật được đưa trên các kênh truyền thông mạng xã hội nhằm mục đích đến với đúng đối tượng khán giả, đúng thông điệp, đúng thời điểm.
z5780623926475-7d8d9ef5644479b3603d849363ac77a0-1724980437.jpg
Du khánh đến với Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ảnh sưu tầm

Nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nước nói riêng gần như đã qua thời kỳ “vàng” của mình. Trong thời đại 4.0 ngày này có nhiều sự lựa chọn để khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ giải trí nhanh, tiện thay vì nghệ thuật truyền thống. Có một nghịch lý là một bộ môn nghệ thuật truyền thống của người Việt nhưng khán giả xem múa rối nước lại chủ yếu là người nước ngoài. Truyền thông thế nào để có thể tiếp cận được đông đảo khán giả trong nước đặc biệt là khán giả trẻ nhằm góp phần lan tỏa loại nghệ thuật truyền thống nói chung, múa rối nước nói riêng, cũng như tình yêu văn hóa truyền thống là bài toán đầy thách thức được đặt ra.

Nỗ lực quảng bá, thu hút khán giả

Để thu hút khán giả Nhà hát Múa rối Thăng Long đã tổ chức những chương trình đặc biệt ưu ái giảm giá dành cho người Việt. Ví dụ các chương trình hợp đồng múa rối nước truyền thống dành cho các trường học, trung tâm đào tạo giáo dục ở Việt Nam với mức giá tiền rất hợp lý. Còn đối với khán giả đại chúng nói chung một ngày chúng tôi thường có từ 5 đến 6 buổi biểu diễn. Buổi sớm nhất bắt đầu từ lúc 13h45 phút và muộn nhất bắt đầu 21h. Các xuất biểu diễn mở bán vé cho mọi đối tượng khách với mức giá trung bình là 150 nghìn với những hạng ghế first class (những hàng đầu) gần sân khấu thì có sự chênh lệch nhẹ là 200 nghìn đồng.

Ngoài ra Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng sử dụng các nền tảng mạng xã hội, trang web để quảng bá về loại hình nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Bản thân các nghệ sĩ cũng tận dụng nền tảng mạng xã hội để đăng tải các hoạt động luyện tập, biểu diễn của Nhà hát.

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Bạch Quốc Khanh bày tỏ: “Những nghệ sĩ của sân khấu truyền thống chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông có sự quan tâm nhiều hơn đến với các loại hình văn hoá truyền thống”.

Đổi mới trong phương thức truyền thông

Chia sẻ về thói quen giải trí của giới trẻ ngày nay, chuyên gia truyên thông Nguyễn Đình Thành, người đồng sáng lập Elite PR School cho biết: “Thời đại nào con người cũng cần tới giải trí, tuy nhiên những sự lựa chọn cứ dài ra mãi trong khi thời gian chỉ có vậy, thậm chí còn có xu hướng “giảm” do áp lực công việc và cuộc sống ngày càng lớn. Sự sụt giảm thời gian tiêu dùng các sản phẩm văn hóa truyền thống như rối nước, tuồng, chèo, xiếc là một điều tự nhiên và không thể đảo ngược. Để thưởng thức được các loại hình nghệ thuật này còn cần phải có phông văn hóa đủ dày để có thể hiểu được sự tinh tế và các thông điệp được truyền tải”.

Còn với nghệ sĩ Quốc Khanh thì việc hình ảnh của các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung, múa rối nước nói riêng ít xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội anh nghĩ một phần do thói quen của người dùng. Khi mà đối tượng quan tâm ít thì số lượng người dùng đăng tải, làm về nội dung đó cũng sẽ ít.  

Để giải quyết bài toán truyền thông tiếp cận khán giả trẻ của những loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung cũng như múa rối nước nói riêng chuyên gia Nguyễn Đình Thành cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, mọi đơn vị nghệ thuật đều phải hoạt động như một công ty và phải tuân theo các quy luật của thị trường. Đã là công ty thì không thể không truyền thông đối ngoại và truyền thông nội bộ các đơn vị hoạt động nghệ thuật cũng vậy.

Trước hết cần có quy hoạch công tác truyền thông cả về cơ cấu nhân sự, nguồn lực, kênh truyền thông, thông điệp truyền thông. Tiếp đó cần đưa các cách làm mới vào công tác truyền thông để nâng cao hiệu quả truyền thông. Ví dụ, đưa trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ truyền thông. Các công cụ trí tuệ nhân tạo hiện nay rất nhiều loại có thể sử dụng miễn phí, các đơn vị hoạt động nghệ thuật cần đào tạo con người để có thể sử dụng được các công cụ này.

z5330069365239-19f159d825ec58dcb1d18d811ac2e4fb-1724979103.jpg
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành

Truyền thông cho nghệ thuật được đưa trên các kênh truyền thông mạng xã hội nhằm mục đích đến với đúng đối tượng khán giả, đúng thông điệp, đúng thời điểm. Để có thể làm truyền thông tốt trước hết cần có người chuyên trách (toàn thời gian hoặc kiêm nhiệm) về truyền thông ở mỗi đơn vị hoạt động nghệ thuật. Tiếp đến là cần cho họ đi học, được học, được thực hành về truyền thông chuyên nghiệp.

Cũng theo vị chuyên gia này, khán giả dưới 35 tuổi có cách tiêu thụ thông tin tương đối phổ biến là thông qua truyền thông mạng xã hội. Để thông tin đến được với họ nhất thiết phải truyền thông trên những kênh này như Facebook, YouTube, Instagram, Tiktok…

Ngoài việc tự làm, các đơn vị hoạt động nghệ thuật hoàn toàn có thể kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ từ cộng đồng các chuyên gia truyền thông cũng như tạo dựng cơ chế để tiếp nhận các thực tập sinh học truyền thông và vào thực hành truyền thông tại các cơ sở hoạt động nghệ thuật. Có thấy mới nâng cao được hiệu quả truyền thông, giảm thiểu chi phí. Làm công tác truyền thông cũng như xây dựng một thành phố. Cần có quy hoạch, cần bắt tay vào làm.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nước nói riêng trong thời đại công nghệ 4.0 quả thực là một bài toán khó và không thể chỉ giải quyết trong một sớm, một chiều. Người trẻ Việt Nam yêu nước và cũng yêu những giá trị của nghệ thuật truyền thống nhưng họ thiếu cơ hội để tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật này. Tình yêu đã sẵn có  nhưng muốn khơi gợi lên trong người trẻ không thể chỉ nhờ nỗ lực một cá nhân, tổ chức mà cần sự chung tay của toàn xã hội, của các cấp, các ngành trong công cuộc giữ gìn, phát triển nghệ thuật, văn hóa truyền thống.