Lâm Đồng triển khai chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy

Vừa qua, Ban Thường vụ tỉnh ủy Lâm Đồng triển khai chỉ thị số 34-CT/TU về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

310150680-516715080463657-8735568909278110819-n-1713752880.jpg

Thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa 

Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tinh thần trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa cao.

Cụ thể, ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ có những hạn chế, khuyết điểm như: Năng lực đội ngũ cán bộ có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, có tình trạng né tránh, đùn đẩy, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm. Một số cán bộ giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, qua loa, đại khái; trách nhiệm thực thi công vụ chưa cao, chưa chủ động, thiếu sự phối hợp trong giải quyết công việc chung; thậm chí có cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo quản lý thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã bị phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Để phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đầu tiên, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu; qua đó phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh”: “3 điều cần làm, đó là: (1) Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung; (2) Làm hết trách nhiệm, quyết tâm cao, tư duy đổi mới; (3) Làm mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất”;“4 điều cần tránh, đó là: (1) Tránh làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân; (2) Tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; (3) Tránh làm việc qua loa, đại khái, không mang lại hiệu quả; (4) Tránh an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý”; từ đó tạo chuyển biến đồng bộ, rõ nét về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc với quyết tâm cao, hành động quyết liệt; xây dựng văn hóa liêm chính, văn hóa công sở văn minh, lịch sự, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên, tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh. 

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các đơn vị bên trong và với cơ quan bên ngoài theo hướng rõ trách nhiệm, quyền hạn, rõ người, rõ việc và dễ kiểm tra, giám sát, bảo đảm không chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn. Đánh giá toàn diện, khách quan đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị để củng cố, kiện toàn, đảm bảo phân công, bố trí cán bộ phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đúng người, đúng việc, phát huy được năng lực, sở trường công tác. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính để mang lại kết quả cao nhất, tốt nhất trong từng lĩnh vực công tác.

Song song đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có hành vi, biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực hạn chế, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, kịp thời phát hiện, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có thành tích xuất sắc trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung.

Ngoài ra, phát động phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ tỉnh thực hiện tốt Phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh”, tạo động lực và quyết tâm cao trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đưa kết quả thực hiện nội dung, yêu cầu của Chỉ thị thành tiêu chí đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân hằng năm, nhất là đối với các đồng chí trong cấp ủy Đảng và người đứng đầu. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, tập thể, cá nhân thực hiện tốt, hiệu quả; nhắc nhở, phê bình, xử lý tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung, yêu cầu Chỉ thị.

Về công tác tổ chức thực hiện, các ban của Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; thành ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh có trách nhiệm quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.