Phát biểu khai mạc và định hướng phát triển báo chí của LHHVN, PGS, TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch LHHVN, nhấn mạnh: “LHHVN tự hào với hệ thống báo chí mạnh mẽ, trong đó có 68 tạp chí, một cơ quan báo cùng đội ngũ phóng viên hùng hậu, biên tập viên giàu kinh nghiệm trên cả nước... Vai trò của báo chí không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin, mà còn là kênh phản biện xã hội, tư vấn chính sách, và tuyên truyền kiến thức khoa học công nghệ đến đời sống”.
Tuy nhiên, PGS, TS Phạm Ngọc Linh cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù hệ thống báo chí của LHHVN rất đa dạng và phong phú, nhưng trong nhiều năm qua, vẫn chưa có tác phẩm nào đoạt Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành. Đây là một thách thức lớn đặt ra cho đội ngũ phóng viên về cả chất lượng nội dung lẫn sự đầu tư công phu vào mỗi tác phẩm. Ông kỳ vọng sau buổi tập huấn, các phóng viên sẽ có thêm động lực và kỹ năng để cống hiến nhiều hơn cho nền báo chí nước nhà, đặc biệt hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025; và Đại hội toàn quốc lần thứ 9 của LHHVN.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một giảng viên giàu kinh nghiệm, đã mang đến buổi tập huấn góc nhìn sâu sắc về nghề báo. Ông cho rằng, để tác phẩm báo chí có sức sống lâu dài, người làm báo phải luôn đặt câu hỏi về giá trị xã hội mà tác phẩm của mình mang lại. “Phóng viên không chỉ viết, mà còn phải phụng sự. Phụng sự cho độc giả, cho sự phát triển của xã hội, và hơn nữa là cho cả sự phát triển chung của nhân loại”, ông nhấn mạnh.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhấn mạnh rằng, để có một tác phẩm báo chí thành công, không chỉ cần đầu tư thời gian và cảm xúc mà còn phải lựa chọn những đề tài có tính xã hội cao, xuất phát từ đời sống thực tế, dù nhỏ bé. Phóng viên cần “nuôi dưỡng” và gắn bó với đề tài, khám phá tận cùng sự thật. Chính sự quyết tâm này sẽ giúp tác phẩm không chỉ giành giải thưởng mà còn trở thành cầu nối giữa báo chí và xã hội. Để làm được điều đó, ngoài kỹ năng, người làm báo cần có trái tim nhạy bén, tâm hồn chân thật và đạo đức nghề nghiệp. Sự đầu tư vào thiết bị và không gian sáng tạo là yếu tố quan trọng để nâng tầm chất lượng tác phẩm. Đồng thời, Ban biên tập các tòa soạn cũng cần hỗ trợ phóng viên phát triển những đề tài chuyên sâu, tạo điều kiện để họ thực hiện các tác phẩm có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng.
Kết thúc buổi tập huấn, ThS Lê Thanh Tùng, Trưởng ban truyền thông và phổ biến kiến thức của LHHVN, đã bày tỏ kỳ vọng lớn đối với đội ngũ phóng viên. Ông khuyến khích các tòa soạn và phóng viên cần tiếp tục trau dồi và cải thiện chất lượng tác phẩm báo chí, không chỉ để đoạt giải mà còn để cống hiến cho cộng đồng và xã hội.
Buổi tập huấn lần này không chỉ là cơ hội để nâng cao kỹ năng cho phóng viên mà còn là lời khẳng định vai trò của báo chí trong việc truyền bá tri thức và xây dựng xã hội. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả kỹ năng và tinh thần, đội ngũ phóng viên của LHHVN hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền báo chí nước nhà, tạo ra những tác phẩm có giá trị xã hội và văn hóa cao, hướng tới các giải thưởng danh giá trong tương lai. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển nền báo chí Việt Nam, làm rõ vai trò tiên phong của báo chí trong bối cảnh mới.