Bài 3: Bảo tồn văn hóa, đột phá cây trồng

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy- UBND tỉnh Gia Lai, những chủ trương, giải pháp sát đúng của cấp ủy chính quyền địa phương và sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân vùng biên giới, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với đầu tư phát triển kinh tế, du lịch không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách mà còn cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần của nhân dân. Hệ thống chính trị vững mạnh, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống

Những năm trước đây, các không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai nói chung, vùng biên giới Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông nói riêng có lúc đã rơi vào những thách thức lớn. Nhiều nghi lễ truyền thống, không gian văn hóa bản địa dần mai một trong đời sống cộng đồng các dân tộc. Tình trạng chảy máu cồng chiêng, bản làng vắng hẳn những nhịp chiêng - xoang, im bặt những làn điệu sử thi mê hoặc lòng người.

6cc-1725669373.JPG
Dệt thổ cẩm, nét văn hóa truyền thống của bà con các dân tộc thiểu số

Trước thực tế đó, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động để bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng. 

Mới nhất, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu chung của đề án là bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Lên vùng biên giới Gia Lai, đã không ít du khách từng cảm thấy mình “lạc lối”. Cũng bởi, nơi ấy không chỉ có “dòng Pô Cô trong xanh” bảng lảng sương bay bên vách đá; “cây đa di sản ở làng Ghè” ; phiên chợ cửa khẩu”…mà còn là những “lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô”; “liên hoan cồng chiêng”…thấp thoáng sau những cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp.

Đồng chí Đinh Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết: Thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng của tỉnh, chúng tôi đã cụ thể hóa và triển khai đến các thôn làng. Huyện Chư Prông đã xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả 136 nhà sinh hoạt cộng đồng, 67 đội cồng chiêng Jrai, 01 đội cồng chiêng Mường, 84 đội văn nghệ dân gian. Trên địa bàn toàn huyện hiện có 426 bộ cồng chiêng, trong đó chủ yếu là loại Aráp có 351 bộ, Mtrum Kbao 09 bộ, chiêng Mông 03 bộ… Hiện còn 12 người biết sử dụng và lưu giữ nét riêng đặc sắc của dân tộc mình như sưu tầm về lễ hội Pơ thi (lễ bỏ mả), về phong tục cưới hỏi của người Jrai, lễ cúng lúa mới, cúng giọt nước, kể Khan…

niem-vui-cua-nguoi-dan-gia-lai-chao-don-tet-doc-lap-1725669373.jpg
Ngày hội đoàn kết các dân tộc ở Gia Lai

Để phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng, những năm qua, huyện Chư Prông và các địa bàn khu vực biên giới, cấp ủy, chính quyền các cấp không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ mà còn luôn quan tâm đến việc khai thác và sử dụng có hiệu quả loại hình này. Vì vậy, việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm, tạc tượng…cho thế hệ trẻ là một trong những giải pháp mang tính lâu dài luôn được quan tâm và triển khai thực hiện.

Ông Siu Do (dân tộc Jrai, 72 tuổi), già làng Ó, xã Ia Ve, huyện Chư Prông bộc bạch: Với bà con dân tộc mình, cồng chiêng đã là máu thịt. Nhưng buồn cái bụng một thời, vì nghe theo kẻ xấu, nên một số dân làng đem bán cồng chiêng. Ngày lễ, tết mà không nghe tiếng cồng chiêng thì khác nào cây rừng thiếu ánh nắng mặt trời. Rất vui là sau đó, như hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đã mua và cấp lại cho bà con. Đội cồng chiêng của làng được thành lập và đã hoạt động lại nhiều năm rồi. Người già chỉ dẫn cho người trẻ, cứ như vậy mà gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

3-tai-hien-cac-le-hoi-1725669270.jpg
Cồng chiêng là máu thịt của bà con DTTS ở Tây Nguyên nói chung, vùng biên giới Gia Lai nói riêng

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 948/1.192 làng vẫn còn lưu giữ cồng chiêng (gần 80% số làng có cồng chiêng). Trong đó, xã Ia O, huyện Ia Grai, là địa phương lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất với gần 350 bộ chiêng. Nhiều gia đình lưu giữ 5 - 6 bộ chiêng quý, cùng với những lễ hội truyền thống tốt đẹp.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững

Xác định nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích là chìa khoá mở ra hướng đi đúng đắn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền các huyện trên địa bàn vùng biên giới Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc “đột phá vào cây trồng”, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp hiệu quả nhất.

4t-1725669433.JPG
Mô hình tưới nước tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở Đức Cơ

Để đạt được kết quả tốt, Huyện ủy- UBND huyện Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ đã chỉ đạo và triển khai cho các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi những loại cây trồng có giá trị thấp như cây mì (sắn), lúa nương, cao su già cỗi…sang những cây có giá trị thương phẩm cao, như sầu riêng, cà phê, trồng dâu nuôi tằm... Hàng trăm ha trồng mì và một số loại cây khác đã được thay bằng những vườn sầu riêng, cà phê xanh ngút, sai trĩu quả.

Ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: "Bên cạnh tập trung thực hiện hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững, Huyện ủy - UBND huyện Đức Cơ đang triển khai và phân công cán bộ về với dân, bám thôn làng, nhằm tìm ra những hướng đi mới để giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tập trung “đột phá” về cây trồng, ưu tiên những loại cây công nghiệp dài ngày, chất lượng cao, như sầu riêng, cà phê… gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị.

Từ năm 2017 đến nay, huyện Đức Cơ đã chuyển đổi hơn 700 ha hồ tiêu chết, cây mì, cao su già cỗi sang trồng các loại cây ăn quả, cà phê, sầu riêng… Đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch kết hợp với trải nghiệm nông nghiệp sạch... góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngày một lên cao; năm 2023 giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.980 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng đạt 1.465 tỷ đồng; giá trị thương mại dịch vụ 2.830 tỷ đồng; thu cân đối ngân sách địa phương 122.017 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người 46 triệu đồng/người/năm.

2-lanh-dao-huyen-duc-co-va-can-bo-cong-ty-74-tham-dong-vien-cong-nhan-nguoi-lao-dong-1-1725670106.jpg
Cán bộ huyện Đức Cơ và Binh đoàn 15 truyền đạt kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng cho bà con địa phương

Chúng tôi đến làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ trên con đường bê tông phẳng lì. Đây là một trong những thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Hai bên đường, những vườn sầu riêng, cà phê xanh tốt, sai trĩu quả. Nhiều ngôi nhà mới xây cao ráo, to đẹp.

Ông Rơ Mah Kluk, già làng Bua nói như khoe: Được cán bộ xã, huyện về hướng dẫn và tuyên truyền cách chuyển đổi cây trồng để có thu nhập cao hơn, bà con dân làng đã phá bỏ một số loại cây không hiệu quả, và đã trồng, thu hoạch được gần 120 ha cao su tiểu điền, 109 ha cà phê, 15.800 trụ hồ tiêu, 25 ha sầu riêng và 150 ha điều. Riêng gia đình ông Rơ Châm Bye sở hữu 4 ha điều, 900 cây cà phê, 700 trụ hồ tiêu, 800 cây cao su và 170 cây sầu riêng; thu nhập hàng năm hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Từ năm 2015 đến nay, gia đình ông Bye tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, ông còn tận tình hướng dẫn 7 hộ có hoàn cảnh khó khăn áp dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng đem lại thu nhập cao.

1-anh-bye-kiem-tra-vuon-ca-phe-cua-gia-dinh-1725669432.JPG
Ông Rơ Châm Bye một trong những người dân ở xã Ia Pnôn - Đức Cơ chuyển đổi cây trồng hiệu quả cao

Về tới Ia Grai đã gần xế chiều, ông Lê Ngọc Quý - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, sản xuất nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy, hàng năm, huyện dành một khoản ngân sách lớn hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững. Nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo việc làm cho bà con DTTS. Trong đó, tập trung tuyên truyền phong trào sản xuất gắn với thị trường; thay đổi tư duy kinh tế từ sản xuất nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, liên kết, hợp tác; từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm.

Để đột phá về cây trồng hiệu quả, năm 2023 từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện 1,17 tỷ đồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cấp 90.500 cây cà phê giống chất lượng cao TRS1 để người dân tái canh; mở 4 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ 25.710 kg giống lúa J02 và ĐT100 cho bà con nông dân… Sản xuất nông nghiệp vượt kế hoạch đề ra: Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 100,1%kế hoạch, tăng 6,7% so với năm 2022; tổng diện tích gieo trồng đạt 100,3%kế hoạch. Đã hình thành, phát triển mạnh nhiều liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ một số loại nông sản như: Cà phê, điều, sầu riêng, mật ong, lúa gạo, thủy sản… Đến nay đã có 9 xã , 40 làng đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 7 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, cấp huyện. Năm 2024, huyện Ia Grai phấn đấu, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông- lâm nghiệp - thuỷ sản đạt trên 5.320 tỷ đồng, tăng 6,6% so với thực hiện năm 2023.

3-nguoi-dan-chu-pah-thi-hoach-caphe-1725670744.jpg
Niềm vui được mùa cà phê của người dân ở huyện Ia Grai

Xã Ia O được UBND tỉnh Gia Lai trao quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Chương trình xây dựng xã nông thôn mới đã góp phần thay làm thay đổi diện mạo của xã. Từ những con đường đất đỏ bụi mù vào mùa khô và lầy lội vào mùa mưa ngày nào giờ  đã được trải nhựa và bê tông sạch sẽ. Toàn xã có 24km đường trục xã, liên xã đã được nhựa hoá và bê tông hoá; gần 25km đường trục thôn, đường trục làng được cứng hoá; trên 90,7% đường làng ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa.

Nhờ được hỗ trợ từ các dự án giảm nghèo, lại biết cách chuyển đổi cây trồng hợp lý, người dân Ia O đã vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu như cuối năm 2015, xã Ia O còn 468 hộ nghèo, chiếm hơn 16% dân số thì đến cuối năm 2023, xã còn 55 hộ nghèo.

Từ diện tích trồng cây hồ tiêu bị chết, gia đình ông Rơ Lan Thôn (Thôn trưởng làng Lân, xã Ia O, huyện Ia Grai) đã chuyển đổi sang mô hình trồng nhiều loại cây ăn quả gồm: 100 cây sầu riêng, 100 cây bơ, 10 cây chôm chôm, 20 cây ổi và xoài, cam, quýt trên diện tích 1,5 ha.

Ông Thôn cho hay: Ngân hàng chính sách cho vay tiền, cán bộ huyện, xã về hướng dẫn cách trồng cây theo mô hình “tưới nước tiết kiệm”, lại được hỗ trợ thêm cây giống chất lượng cao nên tôi rất tin tưởng và làm theo. Cây ăn quả cũng dễ trồng, ít sâu bệnh, công chăm sóc ít và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Năm ngoái, một số cây trồng như sầu riêng, bơ, chôm chôm, ổi bắt đầu cho thu bói mà đã đạt gần 100 triệu đồng. Hy vọng năm nay các mặt hàng trái cây được giá để gia đình có nguồn thu nhập cao hơn.

2-niem-vui-sau-rieng-duoc-mua-duoc-gia-cua-nguoi-dan-o-chu-puh-1725670989.jpg
Trồng sầu riêng thu nhập cao, hướng đi mới của bà con vùng biên giới

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, hệ thống chính trị vững mạnh, tình hình an ninh, trật tự khu vực biên giới được giữ vững, chuyện người vượt biên trái phép, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm…đã không còn và thuộc về quá khứ, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Đêm biên giới bình yên đến lạ. Tiếng cồng chiêng ngân vang, những bước chân trần nối dài vòng xoang của bao cô gái, chàng trai Jrai như tắm mình vào trong đam mê. Bông lửa bay réo rắt, mời gọi…