Mùa Xuân nhớ Bác: Suy ngẫm về Tết Trồng cây và sự nghiệp Trồng người

Khi nói đến Bác Hồ kính yêu, chúng ta đều cảm nhận một điều rất sâu sắc đó là sự hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đó như lẽ sống tự nhiên của Bác. Sự nghiệp Trồng cây và Trồng người là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Người trong nỗ lực chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Những ai đã từng được nghe, được đọc những mẩu chuyện do Bác kể, những tài liệu do Bác viết, thì ngay từ thuở ấu thơ đến thời trai trẻ ở trong nước đến khi bôn ba khắp các châu lục, cảnh quan thiên nhiên nơi Bác từng sống vẫn ẩn sâu trong tâm trí Người gắn liền với đời sống con người nơi đó.

Lợi ích mười năm trồng cây

Mùa xuân Kỷ Hợi 1959 cách đây vừa hơn 60 năm, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây với tư tưởng là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái làm cho “phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp", "làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện"...

Với Bác Hồ, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt đã được trao truyền bao thế hệ.

Để định hướng về phong trào Tết Trồng cây, Bác Hồ đã có 15 bài viết, bài nói có liên quan. Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 14/9/1958, Bác đã xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người cho rằng, đó là một nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang.

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Lực đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân số 2082. Bác Hồ đã chính thức khởi xướng và phát động phong trào Tết trồng cây. Ngày 9/5/1961, nói chuyện với nhân dân ở Đảo Cô Tô, Hải Ninh (Quảng Ninh), Người căn dặn: cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xử sở ta thêm đẹp.

bac-ho-3-1672906345.jpg

Bác Hồ trồng cây tại Ba Vì (Hà Tây) mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969. Ảnh: Tư liệu

Ngày 20/01/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây” đăng trên báo Hà Đông, Người viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”.

Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hành động cụ thể nêu gương cho mọi người làm theo. Năm 1960, Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Năm 1961, Bác Hồ cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại vườn hoa Thanh niên. Ngày 3/2/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong Hội trồng cây thống nhất cùng đồng bào huyện Đông Anh. Hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Bác Hồ thường tham gia cùng nhân dân trồng cây. Sáng mùng 1 tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì.

Cho đến tận ngày Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn không quên nhắc đến việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Trong những bài viết, Bác Hồ nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc "tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Bác Hồ đã viết Tết trồng cây "cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của "Tết trồng cây” là hết sức thiết thực và lớn lao. Lời kêu gọi "Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức "Tết trồng cây”.

Bác nhấn mạnh việc thực hiện “Tết trồng cây” một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc thì không chỉ góp phần vào nhiệm vụ phát triển “kinh tế văn hóa” mà còn làm cho “phong cảnh của ta cũng thật sự làn non sông gấm vóc, tươi đẹp vô cùng”. Không chỉ có vậy Người còn lưu ý Tết trồng cây có ý nghĩa chính trị to lớn.

Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động đã trải qua vừa tròn 60 mùa xuân. Hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Người, ai ai cũng rất hạnh phúc khi đã góp phần tạo ra được nhiều thế hệ cây xanh cho đất nước. Và những thế hệ cây xanh được trồng từ những năm đầu của phong trào nay đã trở thành những cây cổ thụ xum xuê trên các đường phố, nẻo đường của các làng bản, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho đất nước. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và di sản của Người còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu về Việt Nam, về Hồ Chí Minh đã viết và diễn giảng về Bác Hồ của chúng ta là một vị lãnh tụ, nhưng Hồ Chí Minh sống hết sức giản dị, giàu lòng nhân ái. Người mang tư duy của tương lai, luôn đi trước thời đại, không chỉ có về triết học, kinh tế, chính trị học mà trước hết là về thiên nhiên. Trước nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới và Liên hợp quốc đã đặt ra chương trình mục tiêu trồng hàng tỷ cây xanh, các bạn đã viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra Tết trồng cây từ nửa thế kỷ trước cho nhân dân mình”. Tết Trồng cây còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, kiến tạo không gian sinh cảnh văn hóa giàu chất thiên nhiên thơ mộng và còn là tầm nhìn vượt thời đại của Bác Hồ trong vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là một trong những yếu tố để thế giới tôn vinh Người là Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại.

Lợi ích trăm năm trồng người

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc yếu là một dân tộc dốt”. Một dân tộc có tri thức chắc chắn không thể là một dân tộc yếu trong tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự, ngoại giao…và ngược lại.

Không chỉ chú trọng giáo dục về tri thức, Người luôn quan tâm giáo dục tác phong, đạo đức của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là với các cháu thiếu niên, nhi đồng, thanh niên, thế hệ trẻ phải "vừa hồng vừa chuyên".

Trong bài báo cuối cùng của Người đăng trên báo Nhân dân ngày 1/6/1969 với tựa đề “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, cũng thể hiện sự chăm lo đến sự nghiệp trồng người. Người viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực...".

bac-ho-2-1672906297.jpg

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ

Trước khi ra đi về với cõi người Hiền, Người đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta qua bản Di chúc thiêng liêng. Trong đó, Người đã căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người''... “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết''. Theo Người, thế hệ kế tục sự nghiệp sẽ là thế hệ quyết định sự thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau chính là sự nghiệp trồng người của toàn Đảng, toàn dân ta: ''Vì lợi ích trăm năm'', trong đó sự nghiệp giáo dục giữ vai trò trọng yếu. Bác đã coi giáo dục là khâu cơ bản để hình thành nhân cách con người, phần nhiều do giáo dục mà nên''. Theo Người: xây dựng kinh tế, không có cán bộ không làm được, không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục phải chú trọng cả “đức” và ''tài”. Người đặt chữ ''đức'' lên trước, coi đó là cái gốc của con người, của cách mạng, của công việc. Chữ ''đức” gắn liền với chữ “tài''. Người dạy: “Có tài phải có đức. Có tài mà không có đức, tham ô, hủ hóa, có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.

Chữ ''đức” chính là đạo đức cách mạng, trung với nước, hiếu với dân; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là biết yêu và biết ghét. Yêu là yêu thương đồng chí, đồng bào, yêu lao động, là lòng trung thực, sự dũng cảm. Ghét là ghét thói lừa lọc, gian trá, nịnh bợ, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Tài và đức thống nhất biện chứng trong con người và được hình thành trong quá trình thực hiện nội dung giáo dục toàn diện: đức, trí, thể, mỹ...

Bác đã chỉ ra phương châm giáo dục hết sức khoa học: 'Giáo dục phải phục vụ đường lối của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân đân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế. Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt, đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động sản xuất...

Những lời dạy của Bác tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp trồng người của Đảng và nhân dân ta hôm nay. Vấn đề đặt ra cho sự nghiệp trồng người hiện nay là phải thấm sâu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người để đào tạo các thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng vừa ''hồng'', vừa ''chuyên'', đưa đất nước phát triển và sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Mối quan hệ giữa trồng cây và trồng người

Bàn về tầm quan trọng và mối quan hệ giữa sự nghiệp Trồng cây và sự nghiệp Trồng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển câu nói của người xưa: "Vi thập niên chi kế thụ mộc, vi bách niên chi kế thụ nhân" với một nội hàm rộng mở, với một tinh thần hoàn toàn mới:

Vì lợi ích mười năm phải trồng cây

Vì lợi ích trăm năm phải trồng người.

Đó là việc Trồng người không chỉ còn hạn chế trong việc huấn luyện một số ít người làm nhiệm vụ trị quốc an dân, quản trị nhân dân mà phải là bồi dưỡng, giáo dục và đào tạo cho toàn thể nhân dân lao động đủ tri thức, đạo đức, kỹ năng, nghề nghiệp để có thể tự làm chủ cuộc sống của chính mình.

Người không chỉ so sánh lợi ích của việc Trồng cây với lợi ích của việc Trồng người bằng lời nói, mà thông qua những việc làm cụ thể để làm sáng tỏ mối quan hệ "sinh thái" giữa trồng cây và trồng người. Đó là lối sống hài hòa giữa thiên nhiên và xã hội, giữa môi trường sống trong lành và con người có đạo đức cách mạng, rộng hơn là mối quan hệ giữa cá thể đơn lẻ với cuộc sống của cả nhân loại.

moc-chau-son-la-28012019-2a-1672975386.jpg

Sắc Xuân trên bản vùng cao; Ảnh: Đào Như Xuyên

Nói về mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên theo tư tưởng của Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng lưu ý: "Con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, biết làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình. Nếu con người tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, nói cải tạo thiên nhiên mà lại đi với hoại hủy thiên nhiên thì đó là hành động trái với quy luật dẫn tới tai họa không thể lường hết được....".

Trong tiếng Anh, chữ Culture vừa có nghĩa là văn hóa, vừa có nghĩa là trồng cây. Văn hóa là thứ còn lại khi mọi thứ mất đi, là trình độ mà con người đạt được trong mối quan hệ với thiên nhiên (trồng cây) và trong mối quan hệ với xã hội (trồng người).

Sau hơn 30 năm bôn ba khắp năm Châu bốn bể để tìm đường cứu nước cứu dân, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nền độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.

Ngay trong những ngày đầu của nhà nước non trẻ, ba nhiệm vụ đầu tiên được Bác Hồ đặt ra là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Diệt giặc đói là phải thực hành tiết kiệm, tăng gia sản xuất (phải trồng cây). Diệt giặc dốt là phải nâng cao trình độ, bồi dưỡng dân trí, mở mang giáo dục (phải trồng người). Còn diệt giặc ngoại xâm là để bảo vệ thành quả của sự nghiệp trồng cây và trồng người với tinh thần thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

Cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu, hi sinh quên mình cho hạnh phúc của nhân dân, cho độc lập tự do của dân tộc, cho hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Song Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Người chính là hiện thân của sự mẫu mực trong mối quan hệ giữa trồng cây và trồng người, hay nói một cách khác là Người thường xuyên quan tâm đến việc chăm lo xây dựng kinh tế, nền tảng vật chất và xây dựng văn hóa, nền tảng tinh thần cho nhân dân.

Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời trải qua 54 mùa xuân mới, Tết trồng cây đã trải qua hơn 60 năm và trở thành một mỹ tục mới tốt đẹp trong nhân dân. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Ngay nay, mỹ tục "Tết trồng cây" do Bác Hồ khởi xướng đã có sức lan tỏa sâu rộng trong phong trào cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh. Để đến hôm nay, từ địa đầu Tổ quốc đến đất mũi Cà Mau, từ miền xuôi đến miền ngược, nông thôn đến thành thị, cho đến những vùng biên giới hay hải đảo xa xôi...đâu dâu trên dải đất hình chữ S thiêng liêng cũng thấm đượm màu xanh của cỏ cây, hoa lá trường tồn hòa trong sắc đỏ của triệu triệu con tim luôn dạt dào yêu thương.  

Tấm gương sống giản dị, hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của Người là tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phục vụ sự phát triển bền vững của con người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau học tập và làm theo.

Mùa Xuân nhớ Bác Hồ muôn vàn kính yêu! Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kế thừa những thành quả cách mạng và những giá trị ông cha đã trao truyền qua hàng ngàn năm lịch sử, chúng ta nguyện cùng nhau có những hành động thực sự thiết thực đóng góp vào sự nghiệp Trồng cây và sự nghiệp Trồng người hôm nay theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tô thắm những Sắc Xuân Đất Việt trường tồn./.