Nhận diện, phê phán các biểu hiện lệch lạc, “lệch chuẩn” trên không gian mạng

Nhận diện, phê phán các biểu hiện lệch lạc, “lệch chuẩn” trên không gian mạng là một trong những vấn đề hết sức quan trọng đối với mọi người dân trên đất nước Việt Nam.
b1-1729678887.jpg

Là một công dân Việt Nam, tôi nhận thức rõ vai trò to lớn của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Ngay khi vừa mới ra đời, với đường lối cách mạng cứu nước đúng đắn, Đảng ta đã quy tụ, đoàn kết chung quanh mình tất cả các giai cấp, các tầng lớp yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp, đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là nguồn gốc sức mạnh và truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng không chỉ nắm bắt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn vận dụng sáng tạo và phát triển trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Cơ sở, nguồn gốc sức mạnh của Đảng còn ở chỗ Đảng đã không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tiếp thu những tinh hoa trí tuệ của nhân loại.

Do đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân chúng ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”. Đất nước ta ngày nay đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định vững vàng. Điều đó đã khiến cho các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách, mọi cơ hội xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Chúng lợi dụng không gian mạng, sử dụng các tài khoản ẩn danh nhằm phát tán và đưa ra những luồng thông tin xuyên tạc, sai sự thật để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đứng trước tình hình đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa sống còn trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người sử dụng mạng Internet cao. Theo Vnetwork, tính đến thời điểm đầu năm 2023, Việt Nam có tổng cộng: 77,93 triệu người dùng Internet; 70,00 triệu người dùng mạng xã hội; 66,2 triệu người dùng Facebook; 52,65 triệu người dùng Facebook Messenger; 63 triệu người dùng Youtube; 10,35 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng TikTok; 5,2 triệu người sử dụng LinkedIn; 4,1 triệu người dùng Twitter…

2b-1729678887.jpg
Nguồn từ Vnetwork: Báo cáo tình hình công nghệ số tại Việt Nam

Dữ liệu này cho thấy Việt Nam có tổng số người dùng Internet và mạng xã hội đáng kể, cùng với số lượng kết nối di động vượt quá tổng dân số. Sự bùng nổ các nguồn thông tin trên không gian mạng, sự gia tăng số lượng tài khoản mạng xã hội mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận thông tin tri thức, cập nhật khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó cũng có những luồng thông tin xấu, xuyên tạc, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi ngược lại với những nét đẹp văn hóa của nước ta. Điều đó gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa xã hội và tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả đội ngũ cán bộ đảng viên.

Dưới tác động của quá trình chuyển đổi số hiện nay, hầu hết mỗi công dân đều sở hữu ít nhất một tài khoản mạng xã hội hoặc trang internet cá nhân của mình để thuận tiện cho việc tìm kiếm chia sẻ kết nối các thông tin phục vụ cho công việc và cuộc sống hàng ngày. Với số lượng người dùng lớn, các hệ thống như website, ứng dụng hoặc email doanh nghiệp trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tấn công và vi phạm bảo mật. Do đó, việc đảm bảo an ninh mạng là một thách thức mà các doanh nghiệp và tổ chức cần quan tâm.

Vấn đề đặt ra hiện nay là từng công dân đã ý thức hết vai trò trách nhiệm của mình khi thiết lập sử dụng tài khoản cá nhân của mình một cách hiệu quả trên không gian mạng để từng bước góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hay chưa? Khi tham gia tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, các công dân nước ta đã nhận thức được, phân biệt được đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin xuyên tạc hay chưa? Đó là một vấn đề rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát. Chỉ một lúc nào đó hoài nghi dao động nghi ngờ mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì họ có thể bình luận, chia sẻ đăng tải những thông tin sai sự thật, cá biệt có những trường hợp đã lợi dụng những tài khoản này bôi nhọ danh dự các đồng chí lãnh đạo. Những điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, cá nhân tổ chức đó làm hoang mang dư luận mất niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng. Việc này nếu thiếu quản lý giám sát của cấp ủy cơ quan chức năng sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Các thế lực thù địch đã lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa với cấp độ ngày càng gay gắt, quyết liệt hòng làm rối loạn về tư tưởng người dân. Chúng lợi dụng các trang mạng xã hội có độ phát tán nhanh để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vu cáo bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cao cấp.

Chúng lợi dụng những tiện ích của internet để xây dựng nhiều trang thông tin có nội dung xấu nhằm lôi kéo, kích động, xuyên tạc, bóp méo sự thật để chống phá Đảng, chế độ và Nhà nước ta. Các trang này thường được sử dụng tiếng Việt với nhiều thông tin thu hút người dân trong nước truy cập rồi sau đó lồng ghép thêm vào những thông tin phản động, bịa đặt nhằm vu khống và làm giảm uy tín, bôi nhọ danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Mạng xã hội cho phép người dùng được thoải mái bày tỏ chính kiến, quan điểm, thái độ qua tính năng “like”, “share”, “ ẩn danh”…

Nhiều người dân thoải mái nói, viết, chia sẻ lên mạng internet những gì mình thích, mình cho là đúng, là hay, trong khi bản thân họ chưa đủ kỹ năng, trình độ để phân tích thông tin, thông điệp mà các thế lực thù địch, phần tử xấu cố tình tạo dựng, lan tỏa. Do đó, người dùng mạng xã hội nếu không được trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để tự xây dựng ý thức “đề kháng” sẽ rất dễ rơi vào bẫy “tin giả”, từ đó gây nên những hệ lụy khôn lường, gây ra hiệu ứng tiêu cực gây hoang mang dư luận.

Trước tình hình nêu trên, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 85 về việc đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet và mạng xã hội.

Ngày 20/03/2023 Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 99 hướng dẫn cụ thể  hóa thực hiện Quyết định số 85. Đây là quyết định mới được ban hành với mục tiêu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ đảng viên, phát huy cao độ tính tiên phong gương mẫu trong việc thiết lập sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong Quyết định 85 của Ban Bí thư, theo Hướng dẫn số 99 của Ban Tuyên giáo Trung ương có nêu nhiều nội dung rất cụ thể mà các cấp ủy tổ chức Đảng cần triển khai thực hiện.

Người tham gia mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình trên mạng xã hội. Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Quy định 874 ngày 17/6/2021 trong đó có 4 quy tắc ứng xử chung áp dụng cho tất cả đối tượng sử dụng mạng xã hội:

1. Tôn trọng tuân thủ pháp luật: Tôn trọng tuân thử luật pháp Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Lành mạnh: Hành vi ứng xử trên mạng xã hội phải phù hợp với các giá trị đạo đức văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

3. An toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn bảo mật thông tin

4. Trách nhiệm: Người dùng mạng xã hội chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Thông tin xấu, bịa đặt, sai trái… xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Vì vậy, mỗi công dân chúng ta cần phải nhận thức đúng và có chính kiến bản lĩnh của mình để có thể tự tạo “sức đề kháng” trước những thông tin sai trái mình tiếp nhận. Đôi khi, những thông tin xấu được núp dưới những danh từ rất mỹ miều về lòng yêu nước và sự trách nhiệm công dân cho nên chúng ta phải luôn tỉnh táo khi đọc, tiếp thu và nghiên cứu những thông tin từ trên mạng.

Các thế lực thù địch tấn công, chống phá Đảng, Nhà nước ta qua các nội dung, như sau:

- Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân: Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

- Phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng. Phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

- Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bôi nhọ hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Kích động tư tưởng bất mãn, bất động chính kiến chống đối trong nội bộ: Cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; vận động tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

- Đưa ra những thông tin phiến diện, một chiều, không có thực về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

- Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan; gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ các dân tộc, các tôn giáo với Đảng và Nhà nước.

Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã mang đến vô vàn cơ hội nhưng đồng thời cũng mang lại rất nhiều thách thức. Chính vì vậy cần tăng cường lan tỏa thông tin tích cực lên không gian mạng, chuyển hướng sự tập trung chú ý của dư luận tại cùng thời điểm và những thông tin tích cực sẽ phân hóa cô lập những thông tin tiêu cực, đây chính là lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tạo môi trường phát triển nội dung thông tin tốt nhằm bao trùm và lấn át nội dung thông tin tiêu cực.

Việc tuyên truyền, lan tỏa các thông tin chính thống, tích cực của Đảng và Nhà nước trên internet qua một số phương thức cơ bản, như sau:

- Thông tin trên các trang web chính thống của các cơ quan Nhà nước về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị.

- Thông tin thời sự về các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

- Thông tin về gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực xã hội và cuộc sống. Khen ngợi, biểu dương những tấm gương vượt khó của người dân và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp; thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống.

- Thông tin đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội: lên án, phê phán cái xấu, cái ác một cách phù hợp. Nêu cao, khuyến khích việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3b-1729678887.jpg
Ảnh: VietTimes

Để có nhận thức rõ hơn về việc sử dụng đúng mạng xã hội và lan tỏa những thông tin tuyên truyền tích cực chính thống đến người dân. Qua đó, giúp người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền, Đảng và Nhà nước cần thực hiện một số vấn đề mang tính giải pháp như sau:

- Nâng cao nhận thức, vai trò cán bộ, đảng viên và quần chúng trong việc khai thác, sử dụng internet và mạng xã hội. Đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu cơ quan đơn vị. Nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm, tiên phong gương mẫu nêu gương trong việc khai thác sử dựng mạng internet và mạng xã hội. Phát huy tính hiệu quả, thiết thực việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

-  Ban hành các đề án về tuyên truyền lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên mạng internet mạng xã hội trên địa bàn. Đặt ra các yêu cầu nhiệm vụ quan trọng cho các cơ quan báo chí đưa ra mục tiêu có hiệu quả trên internet, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền lan tỏa thông tin tích cực gương người tốt việc tốt, trang bị nhận thức sâu sắc về nguy cơ nhận diện đúng những biểu hiện và thực hiện các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi hiệu quả tình trạng thông tin xấu độc hại sai sự thật trên các trang mạng xã hội, xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng giữ vững ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.

- Lan tỏa những thông tin tích cực cho xã hội, các bài viết về công tác xây dựng Đảng bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh các luận điệu sai trái thù địch. Bám sát đề tài những vụ việc sự kiện nóng để đưa ra những thông tin ngắn gọn đầy đủ chính xác và đặc biệt là những nguồn tin này phải chính thống và có dẫn chứng lập luận có hệ thống.

- Rèn luyện phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng bản lĩnh để đạt được những mục tiêu là góp phần cho sự phát triển của đất nước.

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những thay đổi đột phá, mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội những cũng đi liền với nhiều thách thức. Tuy nhiên, việc nhận thức đúng và phê phán các biểu hiện lệch lạc, “lệch chuẩn” trong xã hội và trên không gian mạng là trách nhiệm, nhiệm vụ cao quý và quan trọng của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc được tổ chức vào năm 2026 sắp tới là dịp để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, kích động, chống phá chế độ, nhân sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, việc nhận diện, phê phán các biểu hiện lệch lạc, “lệch chuẩn” trong xã hội và trên không gian mạng là một trong những nội dung rất quan trọng đối với mọi người dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn trích dẫn:

1. Báo cáo về tình hình công nghệ số tại Việt Nam của VNetwork.

2. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.