Theo đó, Festival lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên được nâng tầm là Festival quốc tế với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, khách quốc tế thuộc 42 quốc gia, vùng lãnh thổ và 20 tổ chức quốc tế đăng ký tham dự. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực và quốc tế, được tổ chức tại Hậu Giang từ ngày 11-14/12/2023. Tại Lễ khai mạc, dự kiến có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đại diện lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo các địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế, đại biểu khách quốc tế cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu lúa gạo trong và ngoài nước; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông trong và ngoài nước.
Chương trình nghệ thuật được chỉ đạo nội dung bởi: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang; Cố vấn chương trình: Nhà báo Tạ Bích Loan; Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật: TS.NSND Thu Hà; Chỉ đạo sản xuất truyền hình: Võ Ngọc Văn Quân; Đạo diễn truyền hình: Phan Phước Thiện; Biên tập kịch bản truyền hình: Thế Long; Chủ nhiệm chương trình: TS. Nguyễn Thanh Sơn; Tổ chức sản xuất: Lý Hoài Thông; Đạo diễn âm nhạc: Phạm Việt Tuân; Đơn vị thực hiện: Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế Expo; Dẫn chương trình: MC Đức Bảo (VTV3) và MC Kỳ Hương (VTV Cần Thơ).
Chương trình nghệ thuật có kết cấu 3 chương: Chương I: Gieo hạt; Chương II: Gồng Gánh; Chương III: Mùa Gặt để khẳng định: Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó mật thiết với đời sống con người, làng quê Việt Nam và đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Cây lúa không chỉ là loại lương thực quan trọng nhất mang lại sự no đủ, mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Việt Nam.
Theo TS.NSND Thu Hà, Tổng đạo diễn Chương trình nghệ thuật đặc sắc này, NSƯT Hương Giang xuất hiện trong Chương II và Chương III. Trong Chương II, NSƯT Hương Giang cùng Ca sĩ Trọng Tấn, Ca sĩ Cẩm Ly và Vũ đoàn Đồng chí thông qua các nhạc phẩm “Tình yêu của Đất và Nước”, “Hương lúa miền Nam” và “Đàn Sáo Hậu Giang” sẽ đưa khán giả trở về với vẻ đẹp của những miền quê yên bình trên mọi miền Tổ quốc. Ở đó, có dáng chị, dáng mẹ tần tảo sớm hôm trên những cánh đồng bát ngàn lúa chín. Tình yêu quê hương, đất nước quện hòa trong tình yêu đôi lứa và khát vọng vươn lên của dân tộc. Tổ quốc ơi ta yêu người mãi mãi. Từ tình yêu đó đã giúp ta tạo nên vô vàn những kỳ tích dựng nước và giữ nước. Trên hành trình đầy yêu thương đó, chúng ta có quyền tự hào về cây lúa, một nhân tố góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế.
Chương III: “Mùa gặt” mang thông điệp: Với hạt gạo trong tay, chúng ta không ngừng nỗ lực phát triển, sáng tạo để hạt gạo phát huy nữa sự tinh túy và lan tỏa những giá trị trong đời sống.
Trong phần này, NSƯT Hương Giang, Ca sĩ Sao Mai Lê Minh Ngọc, Nghệ sĩ Thanh Nhường và Nghệ sĩ Như Ý, cùng Vũ đoàn đồng chí thông qua các nhạc phẩm “Hát về cây lúa hôm nay”, “Hạt gạo vươn xa” đưa khán giả đến với những khát vọng mới trong hành trình ngàn năm của cây lúa hôm nay. “Đường lớn đã mở đi tới tương lai, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”. Với phương châm đó, hiện nay, những nhà khoa học tài năng của đất nước đang ngày đêm say sưa nghiên cứu, triển khai các dự án với khát vọng tiếp tục nâng tầm hạt gạo Việt Nam trong tương lai.
Theo BTC, NSƯT Hương Giang, giọng ca vàng dòng nhạc dân ca, thính phòng miền Bắc nhưng rất đỗi thân thuộc với quân và dân đồng bằng Sông Cửu Long gần 30 năm qua. Bởi từ 1997, Thiếu uý Nguyễn Hương Giang đã về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9. Chị gắn bó với mảnh đất 9 Rồng 6 năm và đóng góp rất nhiều thành tích nghệ thuật cho đoàn.
Tiêu biểu như: Giải Nhì tiết mục “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, Cuộc thi “Giai điệu Mùa Xuân và Người Chiến sĩ” năm 1999; Huy chương Vàng, tiết mục “Nu ri sa” tại Cuộc thi “Giai điệu Mùa Xuân và Người Chiến sĩ” năm 2001; Huy chương Vàng, tiết mục “Khúc ca Hoa chúc” tại Cuộc thi “Biểu diễn múa và Âm nhạc Dân tộc” năm 2003; Huy chương Bạc, tiết mục “Những bông súng quê hương” tại Cuộc thi “Biểu diễn múa và Âm nhạc Dân tộc” năm 2003; Huy chương Bạc, tiết mục “Lính đồng bằng” tại Cuộc thi “Biểu diễn múa và Âm nhạc Dân tộc” năm 2003; Huy chương Bạc, tiết mục “Nhớ về mẹ suốt” và “Dệt lụa đêm trăng” tại Cuộc thi “Biểu diễn múa và Âm nhạc Dân tộc” năm 2003; Huy chương Vàng, vai “Chị Sứ” trong vở nhạc kịch “Hai người Mẹ” tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2008.
NSƯT Hương Giang trong trang phục áo dài sẽ xuất hiện tại sự kiện Festival Lúa gạo Quốc tế 2023
Đồng thời, chị cũng giành thành tích cao tại hai sự kiện nghệ thuật của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong 2 năm đầu về công tác tại quân khu 9: Huy chương Bạc, Truyền hình toàn quốc cho phim ca nhạc của Đài truyền hình Cần Thơ năm 1997; Huy chương Vàng, Truyền hình toàn quốc cho phim ca nhạc của Đài truyền hình Cần Thơ năm 1998.
Chia sẻ cảm xúc trước sự kiện quan trọng này, NSƯT Hương Giang cho biết: “Sau gần 30 năm gắn bó với con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, trải qua nhiều đơn vị công tác, nhưng những năm tháng gắn bó với miền Sông nước Cửu Long là những ấn tượng không thể phai mờ trong tôi. Chính mảnh đất yêu thương này đã chấp cánh cho tôi vững bước trên con đường nghệ thuật. Được trở lại Hậu Giang lần này để tham dự một sự kiện Quốc tế về lúa gạo là niềm vinh dự lớn với tôi. Tôi sẽ hát đơn ca ca khúc “Đàn Sáo Hậu Giang” và song ca ca khúc “Hát Về Cây Lúa Hôm Nay” cùng Quán quân Sao Mai. Chúng tôi sẽ kể về “Hành trình Ngàn năm Lúa gạo Việt Nam” bằng một chương trình nghệ thuật độc đáo. Đây cũng chính là thông điệp của Festival Lúa gạo Quốc tế 2023 tại Hậu Giang năm nay...”