Theo đó, MV lấy bối cảnh Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 để kể về chuyến trở lại đồng bằng Sông Cửu Long của NSƯT Hương Giang, người từng gắn bó 06 năm thanh xuân của mình tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9. Chị cũng chính là hiện thân của một con Sáo được những hạt gạo thấm đẫm bao tình người tình đất miền sông nước Cửu Long nuôi dưỡng trưởng thành. Để hôm nay, con Sáo ấy trở về mang theo lời ca tiếng hát, niềm tự hào quê hương đất nước đổi mới kể cho bạn bè quốc tế nghe chuyện Đàn Sáo Hậu Giang đang từng ngày vươn xa cùng vị thế, sứ mệnh, tầm nhìn của cây lúa Việt Nam hôm nay…!
Với giai điệu trầm lắng, thiết tha và ca từ dung dị, giàu hình ảnh, ca khúc "Đàn Sáo Hậu Giang" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn không chỉ giới hạn ở mặt âm nhạc, mà còn mở rộng đến văn hóa, lịch sử, và tình cảm với quê hương, tạo nên một bức tranh quê hương tuyệt sắc thấm đẫm tình đất tình người của miền đất Cửu Long giang. Ở đó, dòng Kênh Xáng Xà No êm đềm, ngày ngày tuôn chảy phù sa, làm nảy mầm cây xanh trái ngọt. Ở đó, có hình ảnh chim sáo, biểu tượng, truyền tải linh hồn và nguồn sống của một miền quê bình dị với tình cảm sâu lắng:
“Từ trên những rạng đông,
Con chim sáo nó bay ra đồng,
Theo con nước đang xuôi dòng ra đồng ruộng xa.
Con chim sáo nghe trong lòng bay bổng lời ca :
Hờ hơ hơ, hới hơi hơi hò, hò hò hơ hơ, hới hơi hò hơi”.
Một vùng quê hài hòa với hai mùa mưa nắng đã nuôi dưỡng trong lòng của những con người bản xứ nét đơn sơ, mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế vì niềm xúc cảm trào dâng, lúc họ bắt gặp hình ảnh từng đàn chim sáo thân thương đang dang rộng đôi cánh bay rợp trời khi ánh bình minh vừa trở giấc. Đó cũng chính là linh hồn, là nguồn sống tiềm tàng và bất tận của quê hương mãi khắc ghi trong tim của người dân miền sông nước Cửu Long:
“Đời vui sáo bay gọi bầy.
Về miền Tây thăm đất Hậu Giang
Thương câu hát tiếng ru bao đời
Thương cây lúa lớn nhanh theo người.
Dầm mưa dãi nắng hớ hơ... tưới xanh ruộng đồng”.
Đàn sáo ấy còn thương giọt mồ hôi của bác nông dân rơi ướt những luống cày cho vụ mùa thêm tươi tốt. Lòng thầm cảm ơn những con người suốt cuộc đời thầm lặng làm bạn với đồng ruộng của quê hương, sáo đã tìm đến nơi đây để gieo hạt mầm của sự sống bao đời mãi sinh sôi nảy nở. Cánh chim sáo như một người bạn thân quen của người dân miệt vườn sông nước Cửu Long.
“Đời vui, nước trôi ngược dòng.
Tình phù sa tuy đục mà trong.
Trông con nước nó trôi lạng lùng.
Ai đâu biết đã bao nhiêu lần
Dòng sông nổi sóng hớ hơ... chiến công còn đây”.
Quê hương trong ký ức của mỗi con người luôn lắng đọng những vẻ đẹp hiền hòa như người mẹ suốt cuộc đời tận tụy vì con. Đối với kẻ thù, đã bao nhiêu lần dòng sông êm đềm ấy lại dậy lên những con sóng căm hờn dìm chết bọn hung tàn, dòng sông ôm trong lòng mối uất hận vì vết tích của chiến tranh. Họ dù đã ra đi “như cánh sáo bay xa làng” vẫn còn đó là sức sống mãnh liệt sáng ngời ý chí kiên cường của người phụ nữ miền Nam, là “những đóa sen hồng tươi dòng phù sa”, để cho những mùa xuân về lại được thấy hình ảnh thân quen là đàn sáo của quê hương lại được bay lượn rợp bóng trên nền trời độc lập.
“Người con gái Hậu Giang,
Xưa kia như cánh sáo bay xa làng,
Nay như những đóa sen hồng tươi dòng phù sa.
Em yêu quý những con người đang giữ đất trời ta
Mùa xuân sang, sáo bay theo đàn vào mùa xuân.
Em hát vui mừng công”
Từng đàn em bé “hát ca yêu đời” khi đất nước được thống nhất hai miền Nam Bắc, ta lại tiếp tục gieo xuống Đất mẹ từng hạt mầm của sự sống và niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.
“Cùng nhau xây đất nước đàng hoàng
Người Hậu Giang đang vững vàng đi tới
Trong gian khó nở hoa anh hùng
Vinh quang chín nhánh sông quê mình
Cần thơ gạo trắng hớ hơ... nước trong là đây
Chào Hậu Giang hôm nay
Những con người phơi phới, đang bay xa...”
Với Thượng tá, NSƯT Hương Giang những năm tháng gắn bó với đồng bằng sông Cửu Long năm xưa, dẫu không quá dài những cũng đủ để thấm đẫm trong tâm hồn chị những làn điệu dân ca Nam Bộ, nhất là sự ảnh hưởng của loại hình nghệ thuật “Đờn ca tài tử”. Điều đó cũng thật dễ hiểu, vì sao giọng ca vàng xứ Nghệ với sở trường là dòng nhạc dân gian, thính phòng lại được Ban Tổ chức Festival Quốc tế Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang lựa chọn để thể hiện một ca khúc mang âm hưởng Nam Bộ đặc trưng như ca khúc “Đàn Sáo Hậu Giang” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong Chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp tại Hậu Giang trên VTV1.