Chiêu thức vòi tiền của Phó Chánh án huyện vừa bị bắt ở Gia Lai

Như Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã đưa tin, sáng 9/9, Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tiến hành bắt giữ ông Bùi Viết Minh Quân (SN 1983) - Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đak Đoa để điều tra về hành vi nhận hối lộ theo khoản 1 Điều 354 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

        Ra giá 200 triệu đồng cho một vụ án

Ông Quân bị bắt vì cáo buộc đòi tiền của nguyên đơn trong một vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” khi còn làm việc ở Tòa án nhân dân huyện Ia Pa.

Việc bắt giữ đã được Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thông báo cho Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

1-ta-dd-1725954201.jpg
Trụ sở Tòa án Nhân nhân dân huyện Đăk Đoa nơi ông Quân công tác

Liên quan đến vụ việc này, ngày 10/9, theo tìm hiểu, khi đang công tác tại Tòa án Nhân nhân dân huyện Ia Pa, ông Quân được cho là đã đòi nguyên đơn phải đưa 200 triệu đồng và đã nhận trước 70 triệu đồng.

Cụ thể, trao đổi với chúng tôi, ông N.D.S (SN 1964, trú tại xã Ia Trok, huyện Ia Pa, Gia Lai) là nguyên đơn trong một vụ án dân sự, người trực tiếp tố ông Quân ra giá vòi tiền, gây khó dễ trong việc giải quyết trong vụ án.

Theo lời ông S, khi chuẩn bị đưa vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” ra xét xử, ông Quân nói: “Anh (ông S. - PV) không biết cách quan hệ nên vụ án của anh chậm đưa ra xét xử”.

Tiếp đó, ông Quân nói vụ án “khó” nên ông Quân yêu cầu ông S. phải đưa 200 triệu đồng và đã nhận trước 70 triệu đồng.

Ông N.D.S cho biết, vào năm 1999, mở 2 trạm bơm nước ở xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Mục đích dẫn nước tưới vào đồng ruộng cho các hộ dân, đổi lại sau mỗi vụ mùa, cứ 1 sào lúa (1.000 m2) người dân phải trả hoa lợi cho ông S. 75 kg thóc.

Trạm bơm lớn (trạm Bình Tây diện tích tưới 145ha) được ông xây dựng với số tiền 428 triệu đồng và trạm bơm nhỏ (trạm Bình Hòa diện tích tưới 28ha) với số tiền 80 triệu đồng.

Để làm 2 trạm bơm này, ông S. có một ít tiền, số còn lại ông nhờ bạn bè, người thân vay ngân hàng để cho ông mượn. Vì để có tiền trả nợ, năm 2005, ông S. đành bán 2/3 nhà máy trạm bơm lớn cho 2 người là P.Q.C và T.V.C với giá 146 triệu đồng, ông giữ lại 1/3 nhà máy. Lúc này, hai người mua không trả tiền cho ông mà cho biết “đã trả cho ngân hàng”. Ông S. không đồng ý nên khởi kiện vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” ra Tòa án nhân dân huyện Ia Pa.

Năm 2012, tòa án huyện đưa vụ án ra xét xử và bác đơn khởi kiện của ông S.

Ông kháng cáo vụ án lên tòa án cấp tỉnh và cũng bị bác đơn.

      Không giao tiền bác đơn khởi kiện

Sau đó, ông S. khiếu nại vụ án ra Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng và được tòa nhận định việc bác đơn của ông là không đúng.

Năm 2017, vụ án của ông S. được Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng giao về cho Tòa án Nhân dân huyện Ia Pa để xét xử lại.

Tuy nhiên, vụ việc tranh chấp của ông bị treo suốt 3 năm liền. Đến năm 2020 mới tiến hành đưa ra xét xử lại và đến 2021, ông Quân từ Tòa án Nhân dân huyện Đak Đoa chuyển công tác xuống Tòa án Nhân dân huyện Ia Pa mới tiếp cận vụ án.

Ông S. cho biết thêm, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông Quân nói: “Do anh không biết cách quan hệ nên anh em họ không giúp anh, vụ án của anh toàn là cục xương”.

Ông Quân còn bảo: “Nếu anh muốn em giúp thì phải đưa 200 triệu đồng”.

Để có tiền, ông S. phải nhờ con gái ruột thế chấp căn nhà, đi vay tiền đưa trước cho Quân 70 triệu đồng. Trước khi vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử, ông Quân đòi thêm 130 triệu đồng còn thiếu. Vì không có tiền, cuối năm 2023, ông Quân bác luôn đơn khởi kiện của ông S, dù trước đó Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng từng chỉ ra việc bác đơn là không đúng.

Bức xúc vì bị vòi vĩnh và vụ án bị đổi thay, ngày 12/12/2023, ông N. D.S đã làm đơn tố cáo gửi lên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao./.