Steam gặp sự cố, các NPH Việt Nam "ngồi không cũng dính đạn"

Một loạt thuyết âm mưu nhắm vào các nhà phát hành game Việt Nam khiến họ phải khổ sở chống chọi với đám đông giận dữ.

Tối ngày 07/05 vừa qua, nền tảng bán game lớn nhất thế giới - Steam đã gặp sự cố tại Việt Nam, khiến người dùng không thể mua game mới. Dù các game cũ đã mua trên Steam vẫn có thể chơi như bình thường. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng rằng Steam sẽ không thể tiếp tục bán game tại thị trường Việt Nam.

Cách đây ít ngày, đại diện một nhà phát hành game tại Việt Nam đã nói trên báo chí rằng Steam đang phát hành game “thoải mái” vào thị trường nước ta mà không phải xin phép. Trong số các game đang bán trên Steam, có cả những game bạo lực, game người lớn, …

Người này gợi ý rằng các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý các nền tảng xuyên biên giới như Steam, nếu không các nhà phát hành game trong nước “sẽ chết”.

chrome-xagcncdxlz-1715159952.png
Steam là nền tảng bán game lớn nhất thế giới (Ảnh: Internet)

Nhận định này có vẻ hơi quá khi hầu hết các tựa game trên Steam đều là game trả phí, game offline, khá kén người chơi. Từ trước đến nay, các tựa game trên Steam luôn có một tệp người chơi riêng, ít hơn và gần như không liên quan gì nhiều đến tệp người chơi các game online đang phát hành tại Việt Nam.

Do đó, các nhà phát hành game Việt sẽ không chết dù cơ quan chức năng không siết chặt quản lý Steam. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt các tựa game trên nền tảng Steam là hợp tình hợp lý và cần thiết, cùng là để công bằng với các nhà phát hành game trong nước.

sekiro-22-1715159989.jpg
Các tựa game trên Steam có tệp người chơi riêng, người chơi sinh hoạt trong các cộng đồng riêng và gu thưởng thức game cũng rất khác biệt (Ảnh minh họa)

Thật không may, các khách hàng của Steam, đang tức giận vì nền tảng yêu thích bị cấm, đã trút hết cơn thịnh nộ lên những nhà phát hành Việt.

Trên các hội nhóm và diễn đàn về game offline, nhiều thuyết âm mưu đã được đưa ra, cho rằng lý do Steam bị cấm là do yêu cầu từ một nhà phát hành Việt Nam. Ngay lập tức, phát ngôn của vị đại diện NPH kể trên bị game thủ đào lại, và một cơn bão tẩy chay nhà phát hành game Việt bắt đầu.

Theo ghi nhận từ người viết, VTC Game là đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các bài đăng trên mạng xã hội của nhà phát hành này liên tục nhận về những cơn bão phẫn nộ và những bình luận không mấy tích cực.

VNGGames ngồi không cũng vài viên đạn lạc, đâu đó vẫn có vài bình luận chỉ trích, tuy nhiên tình hình tốt hơn rất nhiều. Garena thì chưa thấy bị đả động, có lẽ do số lượng game mà nhà phát hành này tung ra thị trường còn khá ít, và bản thân họ cũng là một công ty con của tập đoàn đa quốc gia, xuyên biên giới.

Việc đổ tội lên đầu các nhà phát hành game Việt và thực hiện hành vi tẩy chay rõ ràng là vô lý, bởi chưa có bằng chứng cụ thể. Bên cạnh đó, phản ánh từ phía nhà phát hành Việt về Steam là đúng và hợp lý. Steam về cơ bản cũng là một đơn vị phát hành game, kinh doanh tại thị trường Việt Nam và phải đáp ứng các yêu cầu của chính quyền nước sở tại.