Toyota và Daihatsu xin lỗi về những sai sót dẫn đến bê bối gian lận an toàn

Tokyo - Hội đồng độc lập điều tra vụ gian lận an toàn của Tập đoàn Toyota đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý công ty con.

Tại một cuộc họp báo vào ngày 20/12/2023, các giám đốc điều hành của Toyota Motor và công ty con Daihatsu Motor đã xin lỗi về hành vi sai trái phổ biến được phát hiện trong công ty. 

Theo hội đồng độc lập điều tra vụ gian lận an toàn, hành vi này là kết quả của "áp lực cực độ" mà các nhân viên phải chịu để đẩy nhanh tốc độ phát triển sản phẩm.

Được biết, Daihatsu sẽ ngừng vận chuyển tất cả xe ô tô được sản xuất tại Nhật Bản và các nơi khác, còn Toyota sẽ ngừng vận chuyển các mẫu xe bị ảnh hưởng. Daihatsu cũng cho biết sẽ sớm tạm dừng sản xuất nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

httpscms-image-bucket-production-1703127521.jpg
 

Cũng trong cuộc họp báo, ông Soichiro Okudaira - chủ tịch Daihatsu cho biết: "Chúng tôi đã không hiểu được những gánh nặng và khó khăn mà nhân viên phải đối mặt khi họ phát triển phương tiện theo lịch trình ngắn hạn và tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp không thể tuân thủ các quy định pháp luật. Ban quản lý hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này."

Ông Hiroki Nakajima - Phó chủ tịch điều hành Toyota nhận định hãng xe cũng đang "rất coi trọng vấn đề này".

"Điều đáng tiếc lớn nhất là chúng tôi không nắm bắt được tình hình tại các bộ phận phụ trách kiểm nghiệm xe. Chính sách của hãng là luôn dừng lại, kiểm tra tại hiện trường và sản phẩm thực tế khi có vấn đề. Chúng tôi rất tiếc là điều này đã không được áp dụng đối với các mẫu xe do Daihatsu sản xuất", ông Hiroki chia sẻ.

httpscms-image-bucket-production-1-1703127521.jpg
 

Một hội đồng độc lập đã tiến hành điều tra thương hiệu Daihatsu (thuộc tập đoàn Toyota) kể từ tháng 05/2023 sau khi hãng này thừa nhận đã gian lận trong bài kiểm tra an toàn của 6 mẫu xe. Theo kết quả điều tra, có thêm 174 ví dụ về hành vi sai trái bao gồm sai sót trong kết quả kiểm tra và giả mạo phương tiện.

Tổng cộng, có 64 mẫu xe và 3 mẫu động cơ bị ảnh hưởng, bao gồm cả những mẫu ô tô vẫn đang được phát triển hoặc đã ngừng sản xuất. Trong đó bao gồm 22 mẫu xe và 1 mẫu động cơ mang thương hiệu Toyota. Theo hội đồng độc lập, công ty đã ưu tiên phát triển ngắn hạn để cạnh tranh với các đối thủ. Điều này dẫn đến "áp lực cực độ do lịch trình phát triển quá chặt chẽ và cứng nhắc" và là nguồn cơ của những hành vi sai trái.

Người đứng đầu hội đồng - ông Makoto Kaiami cho rằng: "Đầu tiên và quan trọng nhất, ban lãnh đạo cấp cao của Daihatsu phải chịu trách nhiệm".

Theo báo cáo, ban quản lý Daihatsu lẽ ra phải "thường xuyên cảnh giác và nhanh nhạy trong việc phát hiện các sai sót và tác động bất lợi trong tổ chức do chính sách quản lý đó gây ra" và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn hoặc phát hiện các hành vi gian lận.

Bên cạnh đó, việc đình chỉ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại các thị trường quốc tế của Daihatsu, đơn cử là ở Malaysia và Indonesia.