Theo đó, Festival lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên được nâng tầm là Festival quốc tế với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, khách quốc tế thuộc 42 quốc gia, vùng lãnh thổ và 20 tổ chức quốc tế đăng ký tham dự. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực và quốc tế, được tổ chức tại Hậu Giang từ ngày 11-14/12/2023. Tại Lễ khai mạc, dự kiến có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đại diện lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo các địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế, đại biểu khách quốc tế cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu lúa gạo trong và ngoài nước; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông trong và ngoài nước.
Theo Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà, Tổng đạo diễn Chương trình nghệ thuật “Hành trình ngang năm lúa gạo Việt Nam”, Diễn ra ngay sau phần phát biểu khai mạc Festival của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam” quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi của ba miền: Ca sĩ Trọng Tấn, NSƯT Hương Giang, Ca sĩ Cẩm Ly, Ca sĩ Trịnh Núi (Giải nhất Sao Mai dòng nhạc nhẹ 2022), Ca sĩ Lê Minh Ngọc (Giải nhất Sao Mai dòng dân gian 2022), Ca sĩ Phong WinDy, Nghệ sĩ Như Ý (Quán quân Chuông vàng vọng cổ 2023), Nghệ sĩ Thanh Nhường cùng CLB Sắc hồng Kid và Vũ đoàn Đồng chí; Biên đạo: NSND Thu Hà, Hoàng Huy, Tuấn Kiệt, Hồng Thoa, Ngọc Thanh, Ngọc Huyền.
Chương trình nghệ thuật được chỉ đạo nội dung bởi: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang; Cố vấn chương trình: Nhà báo Tạ Bích Loan; Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật: TS.NSND Thu Hà; Chỉ đạo sản xuất truyền hình: Võ Ngọc Văn Quân; Đạo diễn truyền hình: Phan Phước Thiện; Biên tập kịch bản truyền hình: Thế Long; Chủ nhiệm chương trình: TS. Nguyễn Thanh Sơn; Tổ chức sản xuất: Lý Hoài Thông; Đạo diễn âm nhạc: Phạm Việt Tuân; Đơn vị thực hiện: Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế Expo; Dẫn chương trình: MC Đức Bảo (VTV3) và MC Kỳ Hương (VTV Cần Thơ).
Chương trình nghệ thuật có kết cấu 3 chương: Chương I: Gieo hạt; Chương II: Gồng Gánh; Chương III: Mùa Gặt để khẳng định: Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó mật thiết với đời sống con người, làng quê Việt Nam và đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Cây lúa không chỉ là loại lương thực quan trọng nhất mang lại sự no đủ, mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Việt Nam.
Theo BTC, Chương trình Nghệ thuật “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam” là một chương trình nghệ thuật có quy mô hoành tráng nhất về ngành lúa gạo từ trước tới nay. Đây là một chương trình mang thông điệp về con đường lúa gạo Việt Nam với thế giới. Vì vậy, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt này phải là một nghệ sĩ tài năng giàu kinh nghiệm.
Là một diễn viên múa được trưởng thành từ Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV (nay là Đoàn Văn công Quân khu IV), NSND Thu Hà đã tích lũy được không ít kinh nghiệm, kỹ năng diễn xuất để làm tiền đề cho một lối rẽ mới: biên đạo múa.
Múa là sự thăng hoa đầy ngẫu hứng từ hiện thực nên hành trình của một biên đạo là kiếm tìm sự sáng tạo từ hơi thở cuộc sống. Niềm đam mê mãnh liệt các điệu múa truyền thống luôn thôi thúc chị đi suốt dọc dài đất nước, đến tận những bản làng xa xôi để được tận mắt chiêm ngưỡng những điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc Việt; sưu tầm chất liệu, ngôn ngữ múa và tái hiện chúng trong các tác phẩm của mình.
Chị luôn muốn đem tính nguyên bản, nét đặc trưng vùng miền vào tác phẩm như: thơ múa “Đẻ đất đẻ nước” (âm nhạc nhạc sĩ Việt Thân, Quang Tú) chất liệu dân tộc Mường (đoạt Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 2009); “Sắc mầu thổ cẩm”, âm nhạc Xuân Thuỷ (đoạt Huy chương Vàng của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Giải A của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam). Chị chia sẻ: “Để dàn dựng được một tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với đồng bào, từ đó “chắt lọc” nét văn hóa đặc trưng vùng miền để đưa vào tác phẩm.
Không chỉ “mạnh” về múa dân gian dân tộc, chị còn là một nữ biên đạo có nhiều tác phẩm múa về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng như: “Đồng chí” (âm nhạc nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn), “Tiểu đội xe không kính” (âm nhạc nhạc sĩ Hoàng Tuấn), lấy cảm hứng từ bài thơ của các nhà thơ Chính Hữu và Phạm Tiến Duật. Hai tác phẩm đó đã thể hiện được sự tinh tế, tính dân tộc hòa quyện tính hiện đại, sự kết hợp chặt chẽ giữa các đường tuyến vũ đạo, khắc họa đậm nét hình ảnh những người lính Trường Sơn trong mưa bom bão đạn mà vẫn kiên cường. “Tiểu đội xe không kính” (âm nhạc nhạc sĩ Hoàng Tuấn) đã đoạt Giải A của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2009.
Nói về Chương trình nghệ thuật “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà cho biết: “Đây là một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang những thông điệp về hành trình lúa gạo Việt Nam với bạn bè Quốc tế và những đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế thông qua sứ mệnh của cây lúa. Vì vậy cây lúa sẽ được hình tượng hoá xuyên suốt trong chương trình nghệ thuật. Bên cạnh dàn nghệ sĩ trên tuổi, giàu kinh nghiệm và hơn 800 diễn viên quần chúng, thì ngôn ngữ biên đạo thấm đẫm 2 yếu tố: Dân tộc và Hiện đại. Tôn vinh giá trị truyền thống, đồng thời yếu tố hiện đại để phù hợp với nhịp sống mới, hơi thở mới của thời đại”.