Ứng dụng ChatGPT vào làm báo hiện đại: Lợi ích và những vấn đề đặt ra

Năm 2023, thế giới đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Chat GPT tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Đối với báo chí, ứng dụng với sự phát triển của công nghệ là việc làm tất yếu để đáp ứng xu thế phát triển của thời đại, tuy nhiên những tác động tiêu cực của Chat GPT đem lại tới ngành báo chí là một bất cập không hề nhỏ.

chat-gpt-la-gi-1-1708818285.jpg

 

Những lợi ích “chưa từng có”

Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực chính thức được xuất hiện  từ lần đầu được đề cập vào giữa thế kỷ XX và trở thành một trong những lĩnh vực trọng yếu của ngành tin học. Trải qua nhiều sự phát triển, cụm từ “trí tuệ nhân tạo” được định nghĩa là  thành quả mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Trí tuệ nhân tạo có khả năng việc thiết kế và xây dựng các chương trình máy tính, khả năng tự học hỏi, tư duy; đồng thời, tự động hóa các quá trình tư duy như: giải quyết vấn đề, phân tích dữ liệu, nhận dạng hình ảnh và giọng nói, tự động dịch thuật và tương tác với con người.

Năm 2023, thế giới chứng kiến một “cú nổ” mới trong lĩnh vực công nghệ khi ứng dụng ChatGPT được ra đời, là công cụ trí tuệ nhân tạo thông minh nhất thế giới cho đến nay vì nó đang từng bước tiệm cận với trí tuệ con người. Công cụ có tên gọi tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer có chức năng trò chuyện, trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bất kể là thắc mắc về tất cả các lĩnh vực trong tốc độ vài giây. Sản phẩm của trí tuệ nhân tạo này được “sinh sau đẻ muộn” nhưng tốc độ phát triển không hề thua kém các ứng dụng phổ biến hiện nay, với 100 triệu người/tháng, chỉ 2 tháng sau khi được ra mắt. Ngược lại, các ứng dụng như TikTok, Google Translate cần tới gần một năm hoặc hơn để đạt được cột mốc ấn tượng này. 

Ứng dụng công nghệ phát triển để cải thiện hiệu quả công việc là một điều tất yếu trong tất cả các ngành nghề, đặc biệt đối với báo chí,  việc sử dụng Chat GPT cho những công việc lặp lại và đòi hỏi nhiều công sức sẽ giúp tiết kiệm thời gian và sức lực của những người sản xuất nội dung. ChatGPT có thể giúp tăng tương tác với khách hàng thông qua các kênh như mạng xã hội, email, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng . Điều này không chỉ giúp độc giả được tiếp cận với nhiều nội dung hơn mà còn giữ chân họ ở tại tờ báo được lâu hơn.  Đặc biệt, một số công việc có thể không cần bỏ quá nhiều sức lực nhưng trái lại rất nhiều thời gian để hoàn thành như sửa lỗi văn bản, gỡ băng phỏng vấn. Nếu như trước đây, nhiều tác giả phải dành hàng giờ để sửa lỗi chính tả, gỡ băng, thu thập dữ liệu, thì ngày nay, các chức năng của Chat GPT có thể xử lý các công việc này một cách tự động trong thời gian ngắn. Từ đó tạo điều kiện cho nhà báo có thể dành nhiều thời gian cho việc giải quyết các công việc quan trọng hơn.

Từ những lợi ích đạt được, một số tạp chí đã bắt đầu chính thức sử dụng Chat GPT trong sản xuất thông tin. Trên thế giới, một số tạp chí ở Anh, Đức đã cân nhắc việc sử dụng AI để tạo nội dung, bắt đầu xuất bản những bài báo do trí tuệ nhân tạo viết ra, đi kèm với kế hoạch cắt giảm nhân sự trong trương lai. Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ AI  chưa được chính thức cho phép đảm nhiệm công việc sản xuất tin, Tuy nhiên một số thử nghiệm đã được thực hiện. Ví dụ tại Đài truyền hình TP HCM, trong đó AI thực hiện nhiệm vụ viết kịch bản cho một phóng sự về xu hướng AI tại Việt Nam. Kết quả thu được là một kịch bản hoàn chỉnh gồm có bố cục 4 phần, tự tổng hợp và viết 400 - 500 từ mỗi phần và khuyến nghị những vai trò có thể phỏng vấn. Kịch bản do AI tạo ra có đầy đủ thông tin và góc nhìn cơ bản đủ để phục vụ thông tin cho khán giả, Tuy nhiên, độ sâu thông tin và chất lượng bài viết được đánh giá không cao. 

unnamed-1708818434.jpg
 

Những vấn đề đặt ra

Từ khi Chat GPT được ra đời, câu hỏi “Liệu Chat GPT sẽ thay thế công việc của nhà báo trong tương lai ?” được chú ý nhiều nhất bởi ứng dụng có thể thực hiện được gần như các công việc của nhà báo một cách đầy đủ nhất. Theo các nhà nghiên cứu, công việc của một nhà báo sẽ bị thay thế bởi AI là chuyện gần như không thể bởi vì trí tuệ nhân tạo không thể có được cảm xúc, nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, đặc biệt là không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Đằng sau những câu trả lời của Chat GPT là một hệ thống lập trình để tự động tạo ra các câu trả lời và văn bản dựa trên những thông tin đã được huấn luyện trước đó, vì vậy khả năng suy nghĩ, tư duy, thấu cảm là những điều không có đối với thiết bị công nghệ hiện đại.  

Mặc dù việc thay thế nhân sự lao động trong ngành báo khó trở thành hiện thực, nhưng những tác động tiêu cực mà ứng dụng gây ra là một điều đáng lưu tâm và tất yếu phải có biện pháp xử lý nhanh chóng và phù hợp. Thứ nhất, sử dụng Chat GPT có nguy cơ xâm hại quyền sở hữu trí tuệ. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022), chủ thể của quyền tác giả chỉ bao gồm cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, những nội dung do Chat GPT cung cấp không ghi rõ nguồn thông tin và danh tính của tác giả, việc xác định chủ thể đứng ra chịu trách nhiệm cho những nội dung báo cho do AI sản xuất vẫn là bài toán chưa có lời giải. Về phía người đọc, điều này sẽ gây ra sự sụt giảm về chất lượng thông tin tiếp cận mỗi ngày khi nội dung thông tin do AI tạo ra có khả năng là bôi nhọ, sai sự thật trong khi khả năng thẩm định nội dung thông tin của người dùng còn hạn chế. Ngoài ra, một nguy cơ lớn khi sử dụng AI trong sản xuất nội dung là nguy cơ vi phạm bản quyền của bên thứ ba. Những thông tin hoặc hình ảnh mà Chat GPT cung cấp có thể là sản phẩm sao chép trực tiếp từ các nguồn của bên thứ ba mà không có sự cho phép. Cần lưu ý, chính sách quy định của nền tảng AI không hề đưa ra lời đảm bảo nội dung sẽ không vi phạm bản quyền và vì vậy các tòa soạn sẽ chẳng có cơ sở pháp lý nào nếu bị tác giả kiện. 

Thứ hai, sử dụng Chat GPT ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức nghề báo.  Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp và xã hội, dù không được ghi trong đạo luật, nhưng được chấp nhận trong giới báo chí, được nhà báo ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và được duy trì bởi sức mạnh của dư luận xã hội, bởi các tổ chức sáng tạo nghề nghiệp. Một nhà báo có đạo đức là người thu thập thông tin chính xác, phản ánh sự thật, tuân thủ các quy định pháp luật của xã hội, và công bố tác phẩm báo chí vì lợi ích xã hội, có trách nhiệm với công chúng… Tuy nhiên, việc lạm dụng Chat GPT quá mức trở thành thách thức lớn đối với lương tâm nhà báo bởi AI có thể sản xuất thông tin từ những nguồn không chính thức hoặc không được kiểm chứng. Từ đó, “tin giả” sẽ liên tục được sản sinh và lây lan, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến nhận thức người dân, tâm lí xã hội, làm cho người dân hiểu sai về chính sách nhà nước, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hay đối tượng liên quan.

Chat GPT là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức nếu các cơ quan báo chí không biết cách sử dụng nó khôn khéo và phù hợp nhất. Vì vậy, thay vì lo lắng sự vượt trội của công nghệ sẽ đe dọa tới ngành, điều quan trọng bậc nhất là các nhà báo cần tập trung thay đổi, phát triển và thích nghi với xu hướng mới. Đội ngũ những người làm báo cần thay đổi nhận thức về tận dụng sức mạnh của Chat GPT, biến nó thành công cụ hỗ trợ, phục vụ hiệu quả cho quy trình sáng tạo trong cơ quan báo chí. Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, sản xuất nội dung có giá trị cao để phản ánh thực tiễn, thể hiện định hướng chính trị, đảm bảo tính chính xác, nhân văn. Đồng thời, linh hoạt sáng tạo kết hợp các xu hướng hiện đại trong các sản xuất tin, đưa tin để đảm bảo mọi đối tượng đều tiếp cận được thông tin một cách dễ hiểu, hấp dẫn và nhanh chóng.

Về phía các cơ quan báo chí,  cần đầu tư đổi mới công nghệ để kiểm soát, phát hiện những trường hợp tiêu cực do lạm dụng AI quá mức để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, các tòa soạn nên tích cực tạo điều kiện cho nhà báo học tập, thử nghiệm, vận dụng vào sáng tạo nội dung để tạo ra những sản phẩm báo chí sinh động, phong phú thông tin. Xây dựng các chương trình đào tạo nhân sự, tuyển chọn nguồn nhân lực báo chí chất lượng cao từ các trường chuyên ngành tại Việt Nam để có thế hệ nhà báo trẻ trong tương lai toàn diện về cả nghiệp vụ lẫn đạo đức. 

* Bài viết thể hiện quan điểm góc nhìn riêng của tác giả