Theo tờ The Japan Times, đề xuất của Toyota về việc tiếp tục bầu Chủ tịch Akio Toyoda vào hội đồng quản trị đang chịu áp lực từ hai công ty tư vấn đại diện quyền lợi cổ đông hàng đầu, kêu gọi các nhà đầu tư của nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới bỏ phiếu chống lại thành viên thuộc gia đình sáng lập tập đoàn.
Institutional Shareholder Services (ISS), công ty tư vấn cho các nhà đầu tư lớn, vào hôm 28/5 đã khuyến nghị các cổ đông không ủng hộ ông Toyoda, với dẫn chứng từ các thử nghiệm xe không đúng quy định của công ty con Daihatsu và những vi phạm đến từ các công ty thuộc tập đoàn Toyota là Hino và Toyota Industries.
"Xét đến tình hình hiện tại khi một loạt các bất thường trong việc chứng nhận xảy ra tại tập đoàn Toyota Motor, cổ đông được khuyến nghị bỏ phiếu chống lại Chủ tịch Akio Toyoda," ISS cho biết trong một báo cáo.
Công ty tư vấn đại diện quyền lợi cổ đông Glass Lewis cũng khuyến nghị bỏ phiếu không tái nhiệm chủ tịch năm thứ hai liên tiếp với ông Akio Toyota, viện dẫn trách nhiệm của ông trong việc tạo ra một ban giám đốc không đủ độc lập cùng các vấn đề khác. Công ty này cũng kêu gọi cổ đông không ủng hộ đề xuất tiếp tục đề cử ông Shigeru Hayakawa giữ chức phó chủ tịch của Toyota.
Akio Toyoda từ lâu đã là gương mặt đại diện của công ty, dẫn dắt hãng xe Nhật Bản từ năm 2009 đến năm 2023, thời điểm ông nhường vị trí giám đốc điều hành cho Koji Sato.
Chủ tịch hiện tại là cháu trai của người sáng lập công ty Kiichiro Toyoda và là con trai của cựu chủ tịch và tổng giám đốc Shoichiro Toyoda. Trong những năm gần đây, Toyoda đã phải đối mặt với chỉ trích vì ủng hộ cách tiếp cận "đa con đường" của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đối với việc điện hóa các phương tiện, được đánh giá là chậm trễ hơn nhiều so với các đối thủ toàn cầu.
Những khuyến nghị về việc bỏ phiếu cho ông Akio Toyoda được đưa ra trước cuộc họp cổ đông thường niên của Toyota dự kiến diễn ra vào ngày 18 tháng 6 tại trụ sở chính của công ty ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi. Năm ngoái, Toyoda đã tái đắc cử với 85% số phiếu, giảm so với mức 96% vào năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 2010.
Thực tế, theo The Japan TImes, những cuộc họp cổ đông của các tập đoàn tại Nhật Bản từ lâu đã là sự kiện mang tính hình thức, với các giám đốc được công ty ủng hộ thường giành chiến thắng với số phiếu áp đảo.