Vị Bộ trưởng được Bác Hồ cảm mến gọi bằng ‘Ngài’: Bộ trưởng Bộ Thương Binh đầu tiên, cha của 2 liệt sỹ

Ông là vị Bộ trưởng được Bác Hồ luôn tin tưởng, quý mến và kính trọng. Nhiều lần vị Bộ trưởng này được vị cha già dân tộc gửi thư riêng, cho thấy tình cảm đặc biệt mà Người dành cho gia đình bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Đình Tụng (1895 – 1973) tại làng Trình Xuyên, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nay thuộc thành phố Nam Định).

f1317c4053642b975f35be66b159de20jpg-11zon-1718339799.jpg
 

Thuở nhỏ, ông học tại trường làng, ngay từ nhỏ đã học giỏi và có chí hơn người. Sau này ông chuyển lên Hà Nội học tiếp. Ông thi đỗ vào Trường Bưởi, ngôi trường trung học danh tiếng nhất thời bấy giờ. Tại đây, ông được tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ, yêu nước và tham gia các hoạt động yêu nước của học sinh.

Sau đó ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, ông nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình, trở thành bác sĩ và được cất nhắc làm Giám đốc dưỡng đường và Trưởng khoa giải phẫu thuộc phân khoa hỗn hợp Y Dược, rồi trở thành một trong những bác sĩ đầu ngành về ngoại khoa của y học Việt Nam...

Ông từng là hội viên Viện nghiên cứu nhân trắc học, cộng tác viên Học viện phẫu thuật và các tạp chí khoa học Pháp - Việt, tạp chí Thanh Nghị (Hà Nội). Ông được nhiều người kính trọng, là tác giả của nhiều chuyên đề y học có giá trị. Năm 1944, ông là một trong những người sáng lập và Ủy viên Trung ương Tân Việt Nam hội (tiền thân Đảng Dân chủ Việt Nam).

Cách mạng tháng 8 thành công, ông tham gia vào Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho trọng trách làm Giám đốc Nha Y tế Bắc bộ kiêm Giám đốc Nha Y tế Trung ương, Hội trưởng Hội Hồng thập tự sau đó là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (1946 - 1973). Năm 1947, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh (đến tháng 5 năm 1959 khi Bộ Thương binh giải thể). Ông là vị Bộ trưởng được Bác Hồ luôn tin tưởng, quý mến, kính trọng.

2-bac-si-vu-dinh-tung-1015-1718339797.jpg
 

Ông cũng là người hiếm hoi được Bác Hồ cảm mến gọi bằng ‘Ngài’. Trong 1 bức thư Bác Hồ gửi cho bác sĩ Vũ Đình Tụng vào tháng 1/1947 khi nghe tin 2 người con trai của bác sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Người viết:

“Thưa ngài,

Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của Ðức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Ðồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”.

Bác sĩ Vũ Đình Tụng khi ấy không khỏi bất ngờ khi nhận được bức thư riêng của Bác Hồ. Điều này cho thấy tình cảm, sự quan tâm của Người đối với gia đình bác sĩ lớn nhường nào. “Đọc xong bức thư, tôi thấy bàng hoàng. Bác bận trăm công nghìn việc, thế mà Bác vẫn nghĩ đến tôi, một gia đình có cái tang đau lòng như hàng vạn gia đình khác” - bác sĩ Tụng rưng rưng.

Sau này, cứ mỗi năm đến ngày 27/7 – ngày Thương binh, Liệt sĩ, Bác Hồ lại gửi thư thăm hỏi những người là thương bệnh binh. Năm 1949, Người lại gửi thêm một lá thứ riêng nữa tới bác sĩ Vũ Đình Tụng, lúc này đã là Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh. Mặc dù Chủ tịch nước còn hơn cả Bộ trưởng Tụng 5 tuổi, nhưng Người vẫn kính trọng gọi Bộ trưởng bằng “cụ”.

Bác sĩ Vũ Đình Tụng đã dành cả cuộc đời của mình để cứu chữa những thương, bệnh binh. Năm 1973, ông mất tại Hà Nội, thọ 78 tuổi. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình ông đã được tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.