Thời kỳ đầu của nhà Tây Hán, người Hung Nô là một bộ tộc ở phía Băc Trung Quốc, và họ thường đem quân xâm chiếm vào Trung Nguyên. Trước đó, ngay từ thời nhà Tấn thời kỳ “Thất hùng”, năm 403 Tr.cn khi nhà Tấn chia làm ba nước là Hàn – Triệu – Ngụy, đã phải lo chống lại người Hung Nô, và cả ba nước trên đã phải xây dựng những bức tường rào để ngăn chặn người Hung Nô. Đến thời Tần Thủy Hoàng (259 Tr.cn - 210 Tr.cn) đã cho xây dựng tiếp và nối những bức tường ấy lại với nhau thành Vạn lý trường thành, mục đích cũng là để ngăn chặn sự tấn công của người Hung Nô.
Đến thời kỳ nhà Tây Hán, người Hung Nô vẫn thường xuyên xâm lấn bờ cõi Trung Nguyên. Vua Hung Nô gọi Là Thuyền Vu. Năm 60 Tr.cn, các thế lực Hung Nô tranh giành quyền lực lẫn nhau, nên thế lực ngày càng suy yếu, sau đó bộ tộc Hung Nô đã chia rẽ, phân chia ra làm 5 Thuyền Vu, đánh nhau tranh giành quyền lực. Trong khi đó, nhà Tây Hán ở Trung Nguyên, lợi dụng tình hình đó để chia rẽ người Hung Nô, và đồng thời cũng đặt mối quan hệ với người Hung Nô.
Thời kỳ Hán Tuyên Đế (74 Tr.cn- 49 Tr.cn), vào năm 52 Tr.cn đã xuất hiện một bước ngoặt lớn giữa mối quan hệ giữa nhà Tây Hán với Hung Nô. Trong thời gian đó, có một Thuyền Vu Hung Nô tên là Hồ Hàn Nha, bị anh trai là Thuyền Vu Chất Chi đánh bại, và xem ra khó có thể tồn tại, vì vậy mà Hồ Hàn Nha bèn bàn với các tướng lĩnh của minh là quyết tâm hòa hảo với nhà Tây Hán, Hồ Hàn Nha tự thân dẫn tùy tùng đến triều kiến vua Hán Tuyên Đế, và Hồ Hàn Nha còn xin được làm con rể của nhà Tây Hán, kết thành thân thích, để thắt chặt tình giao hảo Hán - Hung Nô.
Năm 49 Tr.cn, vua nhà Tây Hán là Hán Tuyên Đế mất, Lưu Thích lên thay là Hán Nguyên Đế.
Thuyền Vu Chất Chi đem quân xâm lược biên giới nhà Tây Hán, Hán Nguyên Đế phái quân đội tới Khang Cư, đánh bại và giết chế được Thuyền Vu Chất Chi.
Trong thắng lợi này có sự giúp sức nhiệt tình của Thuyền Vu Hồ Hàn Nha, sau đó địa vị tại Hung Nô của Thuyền Vu Hồ Hàn Nha ngày càng được củng cố.
Năm 33 Tr.cn, Hồ Hàn Nha lại đến kinh đô Trường An của nhà Tây Hán một lần nữa, và xin kết thân với nhà Tây Hán, vua Hán Nguyên Đế đồng ý. Cũng như trước đó, mỗi lần kết thân, nhà Tây Hán lại chọn một người con gái trong vương thất, phong cho làm công chúa và gả cho vua Hung Nô.
Lần này, Hán Nguyên Đế lại quyết định chọn một cung nữ. Vì vậy Hán Nguyên Đế cho người vào hậu cung và truyền đạt ý chỉ: “Ai tình nguyện lấy vua Hung Nô sẽ được đối đãi như công chúa”. Đa số các cung nữ trong cung bị giam giữ như chim trong lồng, ai cũng mong tới ngày được ra khỏi cung, nhưng khi nghe nói phải rời sang Hung Nô xa xôi hẻo lánh thì không ai muốn đi.
Trong số các cung nữ, chỉ có Vương Tường tự là Vương Chiêu Quân, lúc đó vừa tròn 18 tuổi, và đã vào cung được hai năm, nhưng chưa một lần được hầu hạ hoàng đế.
Hầu hết các cung nữ, có thể nói là quá nhiều, và sau khi tiến cung đều không được giáp mặt vua, vì nhiều cung nữ quá, cho nên vua cũng không đi xem mặt từng người một được, và việc xem mặt các cung nữ này được một số họa sỹ sẽ vẽ lại mặt của các cung nữ để dâng lên cho vua xem mặt, ưng người nào thì người cung nữ đó mới được sự “sủng hạnh” của nhà vua.
Trong cung lúc đó có một họa sỹ tên là Mao Diên Thọ, khi vẽ chân dung cho các cung nữ, cô nào có tặng phẩm biếu xén cho họa sỹ thì sẽ được ưu ái vẽ đẹp thêm một chút, Vương Chiêu Quân vốn là một cô gái xinh đẹp, nhưng vì nàng không đút lót cho họa sỹ Mao Diên Thọ, nên nàng đã bị Mao Diên Thọ vẽ không đẹp so với con người thật của nàng. Cho nên khi chân dung của Vương Chiêu Quân đến tay vua Hán Nguyên Đế, ông vua này chê nàng xấu, nên Vương Chiêu Quân chưa được gặp mặt Hán Nguyên Đế.
Nhân dịp Hồ Hàn Nha đến xin làm con rể, Vương Chiêu Quân cho rằng nếu cứ ở trong cung cấm thì cũng phải chịu cảnh chết già, vốn xinh đẹp và hiểu biết đạo lý, cho nên khi biết việc Hồ Hàn Nha xin làm con rể thì Vương Chiêu Quan cho rằng đây cũng chính là một cơ hội để nàng có thể thoát khỏi cung cấm. Vì vậy mà nàng đã tự nguyện xin được lấy vua Hung Nô.
Ngay sau đó, Vương Chiêu Quân được phong làm công chúa và gả cho vua Hung Nô là Hồ Hàn Nha.
Khi Hồ Hàn Nha và Vương Chiêu Quân vào từ biệt vua Hán Nguyên Đế để trở về Hung Nô, gặp mặt, vua Hán Nguyên Đế thấy nàng đẹp quá, tỏ ra vô cùng luyến tiếc, và trong lòng lại muốn giữ Vương Chiêu Quân ở lại bên mình, nhưng không có cách gì lấy lại được, vì sợ thất tín với Hồ Hàn Nha, ảnh hưởng đên tình hòa hảo giữa nhà Tây Hán với Hnung Nô.
Để điều tra sự việc, Hán Nguyên Đế cho mang bức chân dung của Vương Chiêu Quân xem lại, và biết được sự gian trá của họa sỹ Mao Diên Thọ, Hán Nguyên Đế đã lập tức cho chém đầu Mao Diên Thọ.
Không còn cách nào khác để giữ Vương Chiêu Quân ở lại, Hán Nguyên Đế đau lòng cho nàng theo Hồ Hàn Nha về Hung Nô.
Vương Chiêu Quân theo Hồ Hàn Nha trở về Hung Nô trước sự đưa tiễn của vua quan nhà Tây Hán. Khi rời khỏi kinh đô Trường An, Vương Chiêu Quân không ngồi trong kiệu, mà nàng cưỡi trên lưng một con ngựa trắng lên đường trong gió buốt ngàn dặm tới Hung Nô. Trên đường xa quê hương, nàng nhìn thấy đàn chim nhạn bay cao, lòng lại bồi hồi nhớ về quê cũ, tức cảnh sinh tình, nàng liền dừng lại cầm đàn dạo một khúc nhạc. Đàn chim nhạn đang bay, nghe tiếng đàn của nàng hay quá, chúng quên cả vỗ cánh mà rơi xuống đất, chính vì vậy mà về sau này Vương Chiêu Quân đã được mệnh danh là người đẹp “lạc nhạn” - một trong tứ đại mỹ nhân nổi tiếng thời xưa của Trung Quốc.
Dời xa quê hương lên phương Bắc sinh sống với vua Hung Nô, Vương Chiêu Quân còn gánh vác một sứ mệnh vô cùng lớn lao, đó là giữ mối quan hệ hòa hảo giữa nhà Tây Hán với người Hung Nô, và nàng đã làm rất tốt điều đó bằng việc khuyên Hồ Hàn Nha không gây chiến với nhà Tây Hán. Nàng còn truyền bá Văn hóa của người Trung Quốc cho người Hung Nô.
Chính vì vậy mà suốt cả một thời gian dài mấy chục năm trời kể từ khi nàng đến Hung Nô, chiến tranh giữa nhà Tây Hán và Hung Nô đã không diễn ra, suốt trong và ngoài thành, đâu đâu cũng thấy cảnh thịnh vượng thái bình, và trong nội bộ của người Hung Nô cũng không có sự tranh giành quyền lợi chém giết lẫn nhau như trước, đó chính là nhờ công lao to lớn của Vương Chiêu Quân.
Vào năm 28 sau công nguyên, Vương Chiêu Quân mất, hưởng thọ 79 tuổi. Với những gì đã làm được, công lao của Vương Chiêu Quân xứng đáng được ngợi ca, và chính vì vậy mà nhân dân Trung Quốc ở phía Bắc đã lập đền thờ Vương Chiêu Quân ngay giữa biên ải giữa Hung Nô và nhà Tây Hán một tấm bia ghi công lao to lớn của Vương Chiêu Quân.
Tài liệu tham khảo:
Hán cung 28 triều (3 tập), Từ Triết Thân, người dịch Ông Văn Tùng, NXB Văn hóa Thông tin 1998; Các triều đại Trung Hoa, Lê Giảng (chủ biên), NXB Thanh niên 2003.