Phát huy vai trò trạm khuyến nông cơ sở
Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong những năm qua, nhờ liên tục đổi mới các chính sách để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện nhằm khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề của từng địa phương trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP.
Nông nghiệp Hà Nội liên tục đổi mới các chính sách để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện
Trên địa bàn TP đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung; 14.000 ha rau an toàn; 50 vùng trồng hoa chất lượng cao, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn; cung cấp các sản phẩm đa dạng cho thị trường Hà Nội, các tỉnh lân cận và tiến tới xuất khẩu.
Nhằm khai thác tối ưu tiềm năng diện tích mặt nước của Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đã triển khai nhiều mô hình
Ngoài ra, nhằm khai thác tối ưu tiềm năng diện tích mặt nước của Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đã triển khai các mô hình như: Nuôi thủy sản áp dụng công nghệ "sông trong ao", nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi cá - lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa vì tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa. Có thể kể đến mô hình nuôi tôm càng xanh (năng suất bình quân đạt 2.430kg/ha), mô hình nuôi ếch lồng (năng suất trung bình đạt 12,6kg/m), mô hình nuôi cá rô phi đơn tính (năng suất bình quân đạt 15.300kg/ha)... Qua đó, đã góp phần chuyển đổi các vùng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn 3 - 4 lần so với cấy lúa.
Việc đưa nông nghiệp đi theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững đã tạo ra việc làm cho hơn 10.000 lao động nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng (tổng hợp theo số liệu báo cáo của các hộ vay vốn).
Bà Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
Theo bà Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của hoạt động khuyến nông Hà Nội trong thời gian qua.
Dưới sự chỉ đạo của UBND/HĐND TP, Sở NN&PTNT TP, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các trạm khuyến nông đã phát huy tốt vai trò, tính chủ động trong công tác tham mưu UBND huyện; phối hợp với đơn vị liên quan trong hoạt động khuyến nông của đơn vị tại cơ sở; tận dụng được sự ủng hộ, hỗ trợ về chủ trương, kinh phí phát triển nông nghiệp của huyện về hoạt động khuyến nông. Trình độ năng lực của cán bộ cao, đồng đều, có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu về nhiệm vụ cũng như tiếp nhận và triển khai thực hiện được các chương trình, dự án quy mô lớn.
Xây dựng chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị duy nhất trong hệ thống khuyến nông cả nước có hoạt động Quỹ khuyến nông. Đây là điểm nhấn đặc biệt đồng thời cũng tạo nên thành công không nhỏ cho khuyến nông TP Hà Nội trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Quỹ Khuyến nông đã góp phần nhân rộng các mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.
Các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ , liên kết "4 nhà" trong nông nghiệp (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông ). Việc xác định, lan tỏa những mô hình khuyến nông hiệu quả chính là đòn bẩy, khuyến khích nông dân trên địa bàn Thủ đô mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với phòng Kỹ thuật và Chính sách nông nghiệp Sở hoàn thành nội dung “Chính sách Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp” trình HĐND TP và đã được ban hành tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP.Hà Nội về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP.Hà Nội.
Các chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ xóa đói, giảm nghèo chuyển sang chú trọng sản xuất hàng hóa để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đang nỗ lực hỗ trợ kết nối cung cầu nhằm mở rộng tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần hình thành một nền nông sản an toàn bền vững, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô nói riêng và hướng tới cung cấp cho các tỉnh thành trên cả nước cũng như xuất khẩu.