Xe Toyota sẽ sớm ‘vay mượn’ nền tảng khung gầm từ BYD?

Những mẫu ô tô Toyota bán tại Trung Quốc trong tương lai nhiều khả năng sẽ sử dụng nền tảng của BYD.

Ô tô Toyota sắp được áp dụng nền tảng đến từ Trung Quốc

Theo trang CarNewsChina, Toyota dự định sẽ ra mắt hai đến ba mẫu xe plug-in hybrid (PHEV) mới tại Trung Quốc trong vòng ba năm tới, có khả năng dựa trên nền tảng PHEV DM-i của BYD.

Hãng xe Nhật Bản cũng sẽ không sử dụng nền tảng THS (Toyota Hybrid System - thường áp dụng với các dòng xe HEV) cho các xe mới ra mắt tại Trung Quốc. 

BYDToyota
 

HEV là xe hybrid không thể sạc điện trực tiếp, không được gắn biển số xanh tại Trung Quốc và không nhận được các ưu đãi như xe thuần điện hoặc PHEV.

Toyota trước đó đã ra mắt các phiên bản plug-in hybrid E+ của các mẫu Corolla, Levin và RAV4 tại Trung Quốc nhưng không đạt nhiều thành công. Ba mẫu xe mới của hãng nhiều khả năng sẽ sử dụng các nền tảng PHEV khác so với các mẫu này.

Cả Toyota và BYD đều chưa xác nhận về thông tin.

“Điều chắc chắn là nếu công nghệ DM-i của BYD được áp dụng, Toyota sẽ tinh chỉnh và điều chỉnh thêm, để trải nghiệm lái xe của phiên bản cuối cùng có sự khác biệt,” tạp chí Caijing cho biết, trích dẫn nguồn tin từ Toyota.

Thông tin về nền tảng DM-i của BYD

DM là nền tảng PHEV của BYD, viết tắt của DualMode và được ra mắt vào năm 2008. Trong tháng 5, BYD sẽ ra mắt thế hệ thứ năm của nền tảng này, dự kiến cho phép xe đạt phạm vi di chuyển 2.000 km theo chuẩn CLTC và tiêu thụ 2,9 lít xăng/100 km. 

byd-seal-u-dm-i-ra-mat-phien-ban-suv-cua-sedan-byd-seal-6
 

DM có hai phiên bản chính: DM-i và DM-p. DM-i (DualMode intelligent) nhấn mạnh vào hiệu suất và hiệu quả tiêu thụ, trong khi DM-p được sử dụng cho xe dẫn động bốn bánh (AWD) hoặc xe off-road.

Gần đây, BYD cũng ra mắt nền tảng DMO dành riêng cho các xe off-road hạng nặng, hiện đang được sử dụng cho dòng Fang Cheng Bao. Đây rất có thể là một phiên bản điều chỉnh của nền tảng DM-p.

Toyota và mối “lương duyên” với các hãng xe Trung Quốc

Thực tế, Toyota và BYD có một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ.Năm 2021, hai công ty thành lập liên doanh BYD Toyota Electric Vehicle Technology với tỷ lệ cổ phần 50/50. 

Năm 2023, Toyota ra mắt mẫu xe điện thứ hai - sedan bZ3, đồng phát triển với BYD, trong đó BYD cung cấp pin LFP Blade, động cơ điện và một số công nghệ khác.

Ngoài ra, Toyota còn có hai liên doanh lớn tại Trung Quốc với các nhà sản xuất ô tô nhà nước: FAW-Toyota với First Automobile Works và GAC-Toyota với Guangzhou Automobile Group.

Xe Toyota sẽ sớm ‘vay mượn’ nền tảng khung gầm từ BYD? 459717
 

"Trong bối cảnh cạnh tranh giá xe điện tại Trung Quốc ngày càng khốc liệt, chi phí là yếu tố quan trọng mà Toyota phải cân nhắc.Các yếu tố chính khiến Toyota ưu tiên sử dụng công nghệ DM-i của BYD là chi phí thấp và tính ổn định của công nghệ này," theo nguồn tin từ Caijing.

Tháng trước, tại Triển lãm Ô tô Bắc Kinh, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Toyota, Hiroki Nakajima, cho biết công ty sẽ bắt đầu sản xuất nhiều xe plug-in hybrid hơn.

"Từ khi giới thiệu Prius năm 1997, Toyota đã xem HEV là giải pháp thực tiễn, và với sự tiến bộ liên tục của công nghệ pin cũng như những thay đổi trong tình hình năng lượng, xe điện đã xuất hiện. Cá nhân tôi nghĩ chữ 'P' trong PHEV không chỉ là plug-in mà còn là 'practical' (thực tiễn). Nói cách khác, đó là những chiếc xe điện thực tiễn," Hiroki Nakajima cho biết.

Tạp chí Caijing kết luận rằng Toyota sẽ dùng PHEV làm điểm khởi đầu mạnh mẽ để cạnh tranh trong thị trường xe năng lượng mới tại Trung Quốc. Nhiều câu trả lời hơn có thể sẽ được tiết lộ vào cuối tháng này khi Toyota tổ chức hội nghị về công nghệ điện khí hóa tại Nhật Bản.