2 dự án trọng điểm quốc gia ngành GTVT của tỉnh Lâm Đồng đang chậm tiến độ

Ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT).

z5421323541952-63940df273d237af17ee05baf016ab59-20240508173814-1715222156.jpg

Phiên họp trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối đầu cầu Văn phòng Chính phủ với 45 tỉnh, thành cả nước có các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông. Ảnh Báo Lâm Đồng

Đây là phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo, kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố Trung ương có các dự án trọng điểm quốc gia nhằm lắng nghe, nắm bắt tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm thúc đẩy các dự án triển khai đúng tiến độ.

img-0161-20240508173136-1715222156.jpg

Quang cảnh phiên họp tại tỉnh Lâm Đồng, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với sự tham dự của Lãnh đạo Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan cùng đại diện các nhà đầu tư. Ảnh Báo Lâm Đồng

Riêng về tỉnh Lâm Đồng tham dự phiên họp dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với sự tham dự của Lãnh đạo Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan cùng đại diện các nhà đầu tư. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 2 dự án trọng điểm quốc gia ngành GTVT là Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, các bộ, ngành địa phương thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện các dự án. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số những vấn đề tồn tại như: Về giải phóng mặt bằng tại một số địa phương như Đồng Nai, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hưng Yên... hiện vẫn còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Việc di dời hệ thống đường điện cao thế chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, nhất là các khu vực cần xử lý nền đất yếu. 

Thủ tục điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên chậm hơn so với yêu cầu, ảnh hưởng đến việc điều phối vật liệu cho dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Bình Định). 

Về vật liệu xây dựng, sau kỳ họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo và cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chủ đầu tư, nhà thầu đã tích cực phối hợp với các địa phương để xác định nguồn vật liệu đắp nền và cấp Bản xác nhận đăng ký khai thác. Đến nay đã cơ bản xác định đủ nguồn cho dự án Cần Thơ - Cà Mau, DATP 1 và 4 Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. 

Một số dự án chưa xác định đủ nguồn cung cấp vật liệu đắp (Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, DATP2 và 3 thuộc Dự án Châu Đốc - CầnThơ Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu), tổ công tác của Bộ TNMT đã làm việc với các địa phương và dự kiến sử dụng các mỏ của tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre, cần sớm thực hiện các thủ tục giao mỏ.

Việc bổ sung mỏ và cho phép nâng công suất các mỏ đáp ứng tiến độ thi công các dự án của các địa phương còn chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành các dự án, đặc biệt các dự án cần hoàn thành (Cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, một số đoạn có lưu lượng lớn của dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) vào cuối năm 2025. 

Mặc dù Bộ Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù, tuy nhiên các địa phương, các chủ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai. 

Về triển khai thi công, theo Bộ GTVT, công tác triển khai thi công của một số dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra do vướng giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu đắp nền (3 dự án cao tốc trục Đông - Tây và 2 đường vành đai do 14 địa phương làm cơ quan chủ quản, tuy nhiên chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang có khối lượng thi công đáp ứng yêu cầu).

Về thủ tục đầu tư, thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai DATP 3 thuộc Dự án Vành đai 4 Hà Nội theo hình thức PPP gặp vướng mắc liên quan đến áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, việc di dời hệ thống đường điện cao thế chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, nhất là các khu vực cần xử lý nền đất yếu. 

Đối với 2 dự án trọng điểm quốc gia ngành GTVT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, theo báo cáo của Bộ GTVT, 2 dự án này hiện đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng tiến độ 2 dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tỉnh Lâm Đồng cùng với các tỉnh các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Dương báo cáo thời hạn hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thời gian dự kiến khởi công các dự án.

Kết luận phiên họp thứ 11, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh và chỉ đạo các bộ ngành cần hỗ trợ và khẩn trương tìm hiểu phối hợp cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc đang tồn tại, chủ yếu các vấn đề như khai thác cát sỏi, giải phóng mặt bằng… để thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm, tạo ra không gian phát triển mới; góp phần tạo động lực phát triển.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo sức mạnh tổng hợp để các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, bảo đảm môi trường, chống tham nhũng, tiêu cực…