Để nhà tuyển dụng biết được ứng viên có phù hợp với vị trí ứng tuyển, có năng lực và phẩm chất vượt trội hay không thì đầu tiên, bạn phải thu hút họ ở thư xin việc.
Mặc dù vậy, có nhiều ứng viên rất chăm chút cho CV nhưng lại cẩu thả và thiếu nghiêm túc với đơn xin việc. Điều này khiến đơn xin việc của bạn mắc phải những lỗi đáng tiếc và bị nhà tuyển dụng việc làm Đà Nẵng, Quảng Nam hay TP.HCM… bỏ qua.
Dưới đây là 5 lỗi khiến đơn xin việc của bạn dễ bị lãng quên.
Sao chép mẫu có sẵn
Bạn chỉ mất vài phút để có hàng chục đơn xin việc hay như “văn mẫu” trên internet. Tuy nhiên, bạn sao chép nó được thì ứng viên khác cũng làm được. Nên đừng nghĩ chỉ có bạn sử dụng thư xin việc mẫu.
Trên thực tế, không hiếm trường hợp nhà tuyển dụng phát hiện đơn xin việc làm “giống nhau” từ dấu chấm, dấu phẩy tới nội dung thư.
Chắc chắn ngay lập tức họ sẽ loại bỏ những ứng viên như vậy. Bởi hành động này được nhà tuyển dụng đánh giá là không tôn trọng họ, không coi trọng cơ hội việc làm. Thậm chí bạn đang coi thường chính năng lực bản thân.
Với thư xin việc mẫu, bạn có thể tham khảo. Nhưng chỉ nên tham khảo cách đặt vấn đề, cách triển khai hoặc bố cục. Khi viết, bạn cần soi chiếu vào bản thân để đưa vào năng lực, phẩm chất, tích cách của mình. Chỉ khi bạn thể hiện được sự khác biệt với giá trị nổi bật so với ứng viên khác, bạn mới thu hút được nhà tuyển dụng.
Dùng một đơn xin việc cho nhiều vị trí
Thông thường khi tìm việc, bạn sẽ nộp hồ sơ vào nhiều công ty, vị trí khác nhau. Bạn cho rằng, điều này sẽ giúp bản thân có thêm cơ hội việc làm. Nhưng nhà tuyển dụng không thích điều này. Họ nghĩ việc ứng cử hàng loạt công việc cùng lúc cho thấy bạn không tập trung vào một việc nhất định. Do vậy, đừng để đơn xin việc làm “tố cáo” hành động này của bạn.
Tuy nhiên, nhiều ứng viên vẫn sử dụng một đơn xin việc cho nhiều vị trí, chỉ thay đổi tên công ty và địa chỉ gửi. Thậm chí có bạn còn sai sót tới mức để nguyên tên công ty A gửi cho công ty B. Điều này chẳng khác nào bạn vào nhà một người nhưng gọi tên người khác.
Sai lầm này chứng tỏ sự hời hợt của bạn khi tìm việc. Chưa kể, nó phản ánh, bạn không tìm hiểu kỹ về công việc, công ty. Khi không đào sâu thông tin thì đơn xin việc của bạn không có gì để nổi bật. Vậy nên nó rơi vào lãng quên là điều không tránh khỏi.
Nói dối trong đơn xin việc
Bạn muốn thể hiện là ứng viên xuất sắc nhất. Theo đó, bạn sẵn sàng “nói dối” nhà tuyển dụng bằng cách tô vẽ những năng lực, thành tích không có thật. Tuy nhiên, việc cố gắng xây dựng một hình ảnh hoàn hảo dễ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ.
Bằng kinh nghiệm phỏng vấn, họ không khó phát hiện ra sự thiếu trung thực của bạn trong đơn xin việc. Có thể mục đích của bạn chỉ đơn thuần là để nổi bật hơn ứng viên khác nhưng vô tình lại khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bị “dắt mũi”.
Vậy nên đừng phóng đại quá mức về mình. Kể cả bạn có được chú ý thì sự không trung thực sẽ gây khó khăn cho bạn trong vòng phỏng vấn trực tiếp. Thẳng thắn, chính trực và nhất quán ngay từ đơn xin việc là phẩm chất bạn nên dùng để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Không cá nhân hóa đơn xin việc làm
Nhà tuyển dụng chỉ có khoảng 20 giây để lướt qua một thư xin việc. Làm thế nào trong 20 giây và hàng trăm thư xin việc ấy, bạn thu hút được nhà tuyển dụng?
Chắc chắn thư xin việc đó không thể sao chép, càng không thể rập khuôn theo thư khác. Nó cần sự khác biết, sự chân thật và sắc nét.
Để làm được điều này, bạn cần viết ngắn gọn nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Bạn cần biết nhà tuyển dụng đang tìm kiếm gì ở một ứng viên; bạn có lợi thế cạnh tranh gì, để tập trung làm nổi bật giá trị đó và thể hiện nó. Hãy chắc chắn những điều bạn đưa ra phù hợp tiêu chí và mong muốn của nhà tuyển dụng.
Sai lỗi chính tả
Dù nội dung thư xin việc hay nhưng nhà tuyển dụng không thể đánh giá cao bạn khi có lỗi chính tả. Lỗi này phản ánh sự cẩu thả thậm chí cho thấy hạn chế năng lực ngôn ngữ của bạn.
Nó cũng phản ánh, bạn không nghiêm túc với cơ hội việc làm này. Chắc chắn nhà tuyển dụng không muốn tìm hiểu thêm về một ứng viên như vậy. Do đó, hãy chỉn chu để hạn chế tối đa những sai sót không đáng có từ chính tả, câu chữ, cách trình bày của đơn xin việc.
Người xưa có câu “đầu xuôi đuôi lọt”. Viết đơn xin việc làm không khó nhưng để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng là điều không dễ dàng. Ít nhất bạn cần tránh 5 lỗi trên. Chúc các bạn thành công!