Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định Việt Nam có tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển

Với tiềm năng, lợi thế về biển, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch 45.246ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển trên quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững, gắn với bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản...

qn-nuoibiennd-1712111281.jpg

Mô hình nuôi biển của người dân tại Vân Đồn, Quảng Ninh (Ảnh: PV)

Ngày 1/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị "Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh".

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt, định hướng rõ phát triển ngành nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại.

Đề án trên còn định hướng phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ. 

"Muốn nghề nuôi biển bay xa, tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ. Chúng ta cần phải có những chiến lược để phát huy thế mạnh sẵn có", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Lê Minh Hoan nói.

Đồng thời, định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới; tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Quảng Ninh là tỉnh có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; là địa phương duy nhất trong cả nước có biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, Quảng Ninh là điểm nút quan trọng trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng và trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh là một trong ba đầu tàu phát triển kinh tế của Vùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là về hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, đứng đầu ở phía Bắc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có nhiều cảnh quan có giá trị ngoại hạng toàn cầu; có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú đa dạng; có nền tảng văn hoá lâu đời với xã hội, con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng... Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế - trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN - trung tâm kinh tế biển.