Trên thực tế, bóng chuyền nữ Nhật Bản vẫn ở tầm cỡ khá xa so với Việt Nam cũng như những nền bóng chuyền khác ở châu Á. Đội hình 2, đội hình 3 của nước này vẫn đủ sức cạnh tranh những vị trí cao nhất ở các giải đấu quan trọng của châu lục.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi nhìn vào lịch sử đối đầu, Nhật Bản chiếm ưu thế vượt trội so với đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, các cô gái của chúng ta cũng đã có 3 lần gây chấn động trước đối thủ trong quá khứ.
Lần đầu tiên bóng chuyền nữ Việt Nam vượt qua được cường địch Nhật Bản là tại cúp bóng chuyền châu Á (Asian Cup) được tổ chức tại thành phố Almaty, Kazakhstan năm 2012. Đội tuyển nữ nước nhà năm ấy với những cái tên rất nổi bật như Phạm Thị Kim Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phạm Thị Yến, Đinh Thị Trà Giang, Bùi Thị Ngà đã xuất sắc đánh bại đối thủ với tỷ số 3-2 (20-25; 25-23; 17-25; 25-13; 17-15).
3 năm sau, tại giải bóng chuyền vô địch châu Á được tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc, chúng ta đã tiếp tục có được vinh dự kể trên với chiến thắng 3-2 (16-25; 22-25; 25-22; 25-22; 18-16) trước Nhật Bản tại bảng C. Đặc biệt, ở trận tranh hạng 5 của giải đấu, đội tuyển Việt Nam đã thêm một lần nữa khuất phục cường địch sau 4 set đấu lần lượt với các tỷ số 25-23; 25-17; 21-25; 25-19.
Cần phải nói thêm rằng, Nhật Bản mang sang giải đấu năm đó đội hình không phải mạnh nhất, tuy nhiên, hai chiến thắng của Việt Nam trước đối thủ vẫn vô cùng thuyết phục.
Trong trận đấu gần nhất với đối thủ tại giải bóng chuyền vô địch châu Á 2023, Thanh Thúy và các đồng đội đã để thua sát nút 2-3 đầy đáng tiếc trước Nhật Bản, ngậm ngùi nhìn đối thủ giành hạng 3 chung cuộc.
Nhật Bản rất mạnh, song trong thể thao, yếu tố bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 3 chiến quả trước đội tuyển đến từ xứ sở "Phù Tang" trong quá khứ chính là nguồn động lực to lớn để đoàn quân HLV Nguyễn Tuấn Kiệt làm nên điều phi thường tại vòng bán kết ASIAD 19 diễn ra vào 13h30 chiều nay (6/10).