Kiệt tác kiến trúc trên vùng đất địa linh
Khởi công ngày 30/8/2024, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội, do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, được xác định là một trong những công trình trọng điểm quốc gia hướng tới chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Dự án, có quy mô lên tới 90 ha, thuộc rop 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới, tọa lạc ngay cửa ngõ Đông Bắc Hà Nội, nơi được ví như “cánh cửa mở ra thế giới” của Thủ đô cũng như cả khu vực phía Bắc.
Từ “tọa độ kim cương” này, chỉ cần 15 phút di chuyển là đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, 5 phút sang các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ thông qua cầu Tứ Liên (sắp xây dựng). Dự án cũng kế cận tuyến metro tương lai kết nối Đông Anh với các địa điểm khác trong toàn thành phố. Hiện tại, dự án đang kết nối thuận tiện vào trung tâm Thủ đô qua Quốc lộ 5 kéo dài, đường Trường Sa và cầu Đông Trù, Nhật Tân.
Trong lịch sử, Đông Anh từng 2 lần được chọn là kinh đô của nước Việt, cho thấy vị trí chiến lược của vùng đất này trong bản đồ của Việt Nam.
“Ngày hôm nay, khi Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, Đông Anh tiếp tục đóng vai trò cửa ngõ phía Bắc trọng yếu của Thủ đô Hà Nội. Và tới đây, khi có sự hiện diện của một Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia đẳng cấp, Đông Anh sẽ không chỉ là trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, mà còn là một động lực tăng trưởng mới của cả nước, một điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp và du khách khắp 5 châu”, một chuyên gia kinh tế đánh giá.
Công trình Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia cũng mang chiều sâu văn hóa của cả vùng đất nhờ thiết kế mang hình ảnh thần Kim Quy. Không gian triển lãm được kiến tạo dưới khối mai thần Kim Quy vững chãi, chia thành 9 phân khu với diện tích hơn 10.000m2/phân khu và sảnh chính rộng lớn hơn 7.000m2. Phụ trợ cho không gian triển lãm trong nhà là các công trình chức năng được trang bị hiện đại như các phòng khánh tiết, phòng hội thảo, nhà hàng… đáp ứng nhu cầu tổ chức triển lãm trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Trong văn hóa phương Đông, rùa là 1 trong 4 linh, biểu tượng cho sự vững chắc, trường tồn. Đặc biệt, Thần Kim Quy còn gắn liền với truyền thuyết bảo hộ cho mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Cổ Loa, Đông Anh. Không chỉ mang tới vượng khí tốt lành cho cả khu vực, Kim Quy cũng chính là biểu trưng cho tinh thần, khát vọng Việt Nam. Các giá trị này trường tồn theo thời gian, và nay đã biến thành quyết tâm mãnh liệt, động lực kiến tạo những công trình thế kỷ, tầm vóc toàn cầu, thu hút doanh nghiệp và du khách từ khắp thế giới tìm tới.
Chìa khóa khai mở “mỏ vàng” trăm tỷ USD
Cộng hưởng với công trình Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia là 4 khu công viên triển lãm ngoài trời đáp ứng việc tổ chức cùng lúc nhiều loại hình sự kiện, gồm cả trưng bày, triển lãm, lễ hội, các sự kiện văn hóa - nghệ thuật quy mô lớn.
Với tổng diện tích không gian triển lãm ngoài trời lên đến 20,6 ha, đây cũng là trung tâm triển lãm ngoài trời lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất Châu Á.
Là dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công trình có ý nghĩa biểu tượng mới này cũng sẽ khởi phát mô hình kinh tế Expo tại Việt Nam. Dự án đột phá cũng sẽ là chìa khóa để Việt Nam khai mở “mỏ vàng” quy mô lên tới hơn 300 tỷ USD/năm của ngành công nghiệp triển lãm toàn cầu.
“Dự án khi đi vào hoạt động chắc chắn sẽ là điểm đến cho các sự kiện thương mại, triển lãm hàng đầu thế giới, khẳng định ý chí kiên cường, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam chủ động trong hội nhập quốc tế sâu rộng và từng bước hiện thực hóa khát vọng hùng cường mà Đảng và Nhà nước đang đặt ra và hướng tới”, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại lễ khởi công.
Hội tụ hàng loạt lợi thế độc tôn cùng quy mô “khủng”, khi hoàn thành và đi vào khai thác, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia sẽ là biểu tượng phát triển mới của Thủ đô. Đây cũng là cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp toàn cầu, các quốc gia tăng cường gặp gỡ, mở rộng cơ hội giao thương, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.