Công thức chuẩn bị phỏng vấn xin việc dễ trúng tuyển

Bộ công thức chuẩn bị trước buổi phỏng vấn xin việc dưới đây được đúc kết từ kinh nghiệm phỏng vấn bất bại của mình. Nhanh tay lưu lại bài viết để ứng dụng cho những buổi phỏng vấn sắp tới của bạn nhé!

Nghiên cứu về công ty

Nghiên cứu để làm gì? Có phải để trả lời câu hỏi: “Bạn biết gì về công ty của chúng tôi”?

Không đâu. Bài học đó có lẽ bạn đã học đến thuộc lòng. Bài học hôm nay là sự chủ động của ứng viên trong việc dẫn dắt nội dung buổi phỏng vấn.

capture1-1703565415.JPG
 

Để làm được điều đó, hãy tìm hiểu sâu về sản phẩm, dịch vụ của công ty thông qua website, fanpage, trang tìm việc và mạng lưới mối quan hệ của chính bạn. Đặc biệt, cần chú tâm vào những yếu tố liên quan đến vị trí mà bạn ứng tuyển. Từ đó suy nghĩ và chuẩn bị sẵn những ý tưởng của bạn cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ của công ty.

Ví dụ: Nếu ứng tuyển vị trí Marketing, bạn cần tìm hiểu công ty đang phát triển sản phẩm chủ lực nào, các chiến dịch marketing trước đó của công ty ra sao cũng như cách họ tiếp cận khách hàng của mình… Từ những dữ liệu đã tổng hợp và phân tích được, hãy chủ động đề xuất giải pháp: “Bản thân em có tìm hiểu và được biết công ty đang phát triển dịch vụ A và hiện tập trung chủ yếu trên các kênh B, C, D. Theo em, công ty có thể mở rộng truyền thông trên nền tảng E vì ở đây tập trung lượng lớn đối tượng khách hàng mà sản phẩm A hướng đến. Đây cũng là kinh nghiệm mà em rút ra được sau khi phát triển một sản phẩm ở phân khúc khách hàng tương tự.”

Không dừng lại ở đó, hãy chuẩn bị sẵn những câu hỏi liên quan đến sản phẩm chủ lực của công ty để đặt “hỏi ngược” nhà tuyển dụng ngay trong buổi phỏng vấn xin việc. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng đặc biệt chú ý đến bạn và để lại ấn tượng tốt về tinh thần chủ động cũng như sự nhiệt huyết của bạn. Dĩ nhiên, để đôi bên không rơi vào tình cảnh “xịt keo cứng ngắc”, hãy tìm những câu hỏi xứng đáng để hỏi, đừng chỉ hỏi cho có chuyện để hỏi.

Nghiên cứu mô tả công việc

Việc tiếp theo bạn cần làm là tìm hiểu, nghiên cứu và phân tích thật kỹ về vị trí mà bạn ứng tuyển thông qua một công cụ có sẵn, đó chính là mô tả công việc. Đây là bước chuẩn bị vô cùng quan trọng quyết định hơn 70% thành công của bạn sau buổi phỏng vấn.

capture2-1703565415.JPG
 

Hãy nghiêm túc nghiền ngẫm để hiểu rõ từng đầu mục công việc trong bảng mô tả công việc của mình và phân loại 3 nhóm công việc dựa trên 3 cấp độ như sau:

- Cấp độ 1: Liệt kê những công việc bạn đã làm, đã có thành tích tốt và có số liệu thực tế để dẫn chứng. Đối với cấp độ này, bạn cần có đủ sự tự tin để thoải mái “khoe” những kiến thức, kinh nghiệm và những thành tích bạn đã đạt được mà không vấp, không ậm ừ, không vừa nói vừa nghĩ.

- Cấp độ 2: Liệt kê nhóm công việc bạn chưa từng làm nhưng đã từng biết đến, từng tìm hiểu và có một lượng kiến thức nhất định. Với nhóm công việc này, bạn cần chuẩn bị sẵn một phần vấn đáp theo hướng: “Tuy trước đây em chưa từng làm công việc này nhưng em đã có hiểu biết về nó và em tin rằng, với khả năng học hỏi và tiếp thu của mình, em hoàn toàn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này”. Đương nhiên, nếu cảm thấy kiến thức của bản thân chưa thực sự vững vàng, hãy tranh thủ ôn tập lại trước khi “ra trận” và hãy luyện nói trước gương cho đến khi đáp án của bạn đủ chân thành để thuyết phục nhà tuyển dụng.

- Cấp độ 3: Liệt kê nhóm công việc bạn chưa từng làm và cũng chưa từng biết đến. Tiếp đó, sử dụng sự trợ giúp từ bạn bè, người thân hoặc công cụ Google để đánh giá xem những công việc này khó hay dễ. Nếu dễ, hãy chuyển nó sang cấp độ 2 – chưa có kinh nghiệm nhưng có sự hiểu biết thay vì “chưa nghe đến” hay “chưa làm bao giờ”. Tuy nhiên, nếu bạn nhận ra công việc này thực sự phức tạp, hãy thẳng thắn chia sẻ rằng bạn chưa từng làm công việc này, đi kèm với một thái độ chân thành và cầu thị: “Tuy chưa từng làm việc này nhưng bản thân em rất hứng thú với những điều mình chưa biết và sẵn sàng học hỏi để bổ sung kiến thức của mình cũng như thành thạo công việc này trong thời gian ngắn nhất”.

Rõ ràng, đối với nhóm công việc thuộc cấp độ 2 và 3, bạn chỉ nên chia sẻ khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi. Nếu họ không hỏi, bạn chẳng tội gì tự mình bóc trần những yếu điểm của mình.

Đi ngủ sớm và đừng nghĩ ngợi quá nhiều

Nghe có vẻ chẳng liên quan cho lắm nhưng sự thật là não bộ của bạn sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi cơ thể của bạn được nghỉ ngơi đầy đủ.

capture3-1703565473.JPG
 

Giấc ngủ sẽ quyết định phần lớn ý chí và tinh thần của bạn vào ngày hôm sau. Vì lẽ đó, đêm trước ngày tham gia phỏng vấn, hãy đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc và quan trọng là ngủ thật sâu, tuyệt đối đừng nghĩ ngợi về những điều sẽ đến vào ngày mai. Nhớ nhé, chuẩn bị cho buổi phỏng vấn là nhiệm vụ của bạn trước 10 giờ tối gạt bỏ mọi lo lắng sang một bên để chìm vào giấc ngủ là nhiệm vụ của bạn sau 10 giờ.

Áp dụng công thức chuẩn bị trước buổi phỏng vấn xin việc này, tin rằng bạn sẽ có kết quả khả quan sau buổi phỏng vấn. Và đừng quên một điều kiện tiên quyết - luôn lựa chọn những công ty phù hợp với năng lực và mong đợi của bản thân.