Đắk Nông: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững, theo chuỗi giá trị

Đắk Nông xác định nông nghiệp là trụ cột kinh tế của tỉnh. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định “Phát triển NNƯDCNC, bền vững theo chuỗi giá trị” là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

anh22-1709106393.jpg

Đắk Nông đã có hàng trăm người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao

Hiện nay, tại Đắk Nông đã có hàng trăm người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao. Hướng đầu tư này đã giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp bà con tránh được sự tác động của thời tiết, nhất là biến đổi khí hậu; kiểm soát tốt dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế. Giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật, công nghệ mới đã, đang được nông dân, doanh nghiệp, HTX áp dụng vào sản xuất và đạt nhiều kết quả vượt bậc.

Trong giai đoạn từ 2004 đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, gắn với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt được một số kết quả nổi bật.

Bên cạnh đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thuỷ sản theo giá so sánh tăng 3,2 lần từ 7.088 tỷ đồng năm 2004 lên 22.719 tỷ đồng năm 2022; tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nội tỉnh chuyển dịch đúng hướng giảm 25,22%, năm 2004 chiếm 62,86% nhưng đến năm 2022 chỉ còn 37,64%; tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức khá, năm 2022 đạt 5,21%, bình quân đạt trên 5,8%/năm.

b30b1fcebc232cb9fb68f27ec4ced7fc-1709106393.jpg

Tháng 9/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil.

Tháng 9/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil. Đây là vùng cà phê CNC đầu tiên ở Đắk Nông có liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân. Vùng cà phê này có tổng diện tích 335ha, với 186 hộ nông dân ở các thôn Thuận Hạnh, Đức An và HTX Công Bằng Thuận An tham gia sản xuất. Người dân nơi đây đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ… để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng thị trường.

Đặc biệt, Đắk Nông đã thành lập được 1 khu NNƯDCNC với diện tích 120ha; công nhận được 4 vùng NNƯDCNC với quy mô 2.423,17ha. Đây là những điểm đến lý tưởng đối với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm và muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đắk Nông.

Tỉnh công nhận 2 doanh nghiệp NNCNC và tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận 3 vùng NNƯDCNC trong thời gian tới. Tỉnh có trên 85.000ha đất sản xuất ứng dụng một phần CNC với sản lượng trên 400 ngàn tấn/năm.

Hơn nữa, Đắk Nông có 10 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Hàng năm các cơ sở này xuất bán sản phẩm vật nuôi giống, thương phẩm chất lượng cao phục vụ chăn nuôi của tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, thời gian qua, các doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Sau khi thử nghiệm và mang lại hiệu quả cao, nhiều loại giống mới đã được đưa vào sản xuất. Các doanh nghiệp, người dân ngày càng quan tâm đến quy trình sản xuất NNƯDCNC.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, Đắk Nông tiếp tục thúc đẩy phát triển NNƯDCNC, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ngành hàng phục vụ theo nhiều phân khúc thị trường trong nước, xuất khẩu.

Ngoài sản xuất, tỉnh Đắk Nông có có 84 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản; cùng với trên 189 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Qua chế biến, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, các doanh nghiệp từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông trên thị trường.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông hướng đến phát triển NNCNC làm động lực để phát triển ngành Nông nghiệp, đây cũng là lĩnh vực tỉnh đang kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Nông. Tỉnh Đắk Nông có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước.