Di Linh: Sẵn sàng ứng phó các tình huống trong mùa mưa bão

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tại địa bàn huyện Di Linh trong mùa mưa bão kéo dài trong thời gian qua, các lực lượng, đơn vị chức năng đã và đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp để sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Cụ thể, những cơn mưa lớn, kéo dài thời gian qua đã phát sinh nhiều tình huống về ngập úng cục bộ, sạt trượt đất ở nhiều mức độ khác nhau, gây thiệt hại về người và tài sản tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

img-20240607-091345-20240607091600-20240731104459-20240731211642-1722482554.jpg

Lực lượng chức năng huyện Di Linh giải cứu nhóm thanh niên mắc kẹt trên sông Đồng Nai trong mùa mưa 2024. Ảnh Báo Lâm Đồng

Mới đây, ông K’Đô - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh) cho biết, mới đây nhất, chiều ngày 25/7, do không biết Thủy điện Đồng Nai 2 xả nước điều tiết nên các em K’Luyến, K’Mơs và K’Gia Quyền cùng 15 tuổi thường trú tại xã Tân Châu, huyện Di Linh đã ra sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn xã Đinh Trang Thượng để đánh bắt cá dẫn tới việc bị nước lớn chảy xiết cô lập, mắc kẹt trên mô đất giữa dòng sông. Ngay sau khi nắm được thông tin, xã Đinh Trang Thượng cùng các đơn vị thuộc huyện Di Linh đã triển khai lực lượng cùng phương tiện đến hiện trường thực hiện các công tác giải cứu các nạn nhân. Tuy nhiên, do nước lớn chảy xiết, lãnh đạo huyện Di Linh đã phải đề nghị Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 tạm thời dừng việc xả nước để lực lượng chức năng đã tiếp cận được nhóm thiếu niên trên và tiến hành đưa các em lên bờ an toàn, không có ai bị thương vào khoảng 21h cùng ngày.

Đồng thời, từ đầu tháng 6 tới nay, trên đoạn sông Đồng Nai đã xảy ra thêm 2 vụ việc với 7 thanh, thiếu niên khi đi đánh bắt cá bị mắc kẹt giữa sông khi nhà máy thuỷ điện xả điều tiết, nước sông đột ngột dâng cao. Ông K’Đô thông tin, dòng sông Đồng Nai chảy qua địa bàn xã dài hơn 22 km đồng thời cũng là hạ lưu của thuỷ điện Đồng Nai 2 và thuỷ điện Đồng Nai 3. Để cảnh báo cho người dân khi thủy điện thông báo xả điều tiết cũng như khi mưa lớn không đánh bắt cá, vớt củi hay có hoạt động vui chơi gần khu vực các sông, suối..., chính quyền xã đã đăng tải thông tin lên cổng thông tin của xã, đề nghị các trưởng thôn thông báo cho các gia đình, đồng thời đều có biển cảnh báo ở các khu vực có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thị trấn Di Linh giữa tháng 7/2024 đã rà soát và phát hiện 8 vị trí nhà ở có nguy cơ sạt lở đất và nhiều vị trí đất nông nghiệp có nguy cơ sạt trượt. Để lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, UBND thị trấn Di Linh đã kiên quyết lập biên bản cam kết, đồng thời hỗ trợ người dân di dời người và tài sản ra khỏi địa điểm có nguy cơ sạt lở trong ngày 21/7. Đối với nhiều vị trí đất nông nghiệp không có nhà ở, địa phương đã thông báo cho chủ sử dụng đất tạm thời không canh tác, đi lại gần khu vực để đảm bảo an toàn.

Cũng trong mùa mưa 2024, lãnh đạo UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo các phòng chức năng, phối hợp với ngành điện lực rà soát di dời, xử lý an toàn nhiều trụ điện trung, hạ thế và trụ viễn thông trên địa bàn các xã có nguy cơ ngã đổ. Đối với công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 và khắc phục và phòng, chống sạt lở đất trên địa bàn huyện trong mùa mưa, từ đầu tháng 4 tới nay, UBND huyện đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo. Trong đó, Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Đức Công trong nhiều văn bản chỉ đạo đều yêu cầu các phòng, ban, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, bị động trong công tác phòng chống thiên tai. Các đơn vị, địa phương phải chủ động rà soát, nắm chắc các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, sạt trượt công trình; chủ động chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nếu có xảy ra thiên tai, sạt lở đất, sạt lở công trình xảy ra để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão.

Đặc biệt, phải tăng cường lực lượng theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với nguy cơ sạt lở đất tại các khu vực có người dân sinh sống dưới mái taluy dương, taluy âm, bờ sông, suối… Bên cạnh đó, người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện về việc triển khai kế hoạch, phương án và công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại địa bàn quản lý.

UBND huyện Di Linh cũng đã giao các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân mức độ nguy hiểm khi xảy ra các tình huống khẩn cấp. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch sơ tán dân, thống kê tất cả các hộ trong xã có khả năng bị ngập lụt, lập phương án tổ chức di dời và chuyển nơi an toàn, lo việc ăn ở, sinh hoạt cho người dân trong thời gian sơ tán...