Để làm cho phố núi, nhất là Công viên Diền Hồng đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người địa phương và du khách trên mọi miền đất nước, HĐND TP Pleiku đã thông qua chủ trương cải tạo, nâng cấp. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 31 tỷ đồng, nhằm mục tiêu sửa chữa các hạng mục để tiếp tục khai thác sử dụng công trình, đồng thời tôn tạo không gian kiến trúc, tăng vẻ mỹ quan đô thị.
Dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Diên Hồng được HĐND TP Pleiku phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2022 và do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Pleiku quản lý.
Các hạng mục cụ thể của dự án gồm: Khu vực hồ A sẽ sửa chữa gia cố bờ kè quanh hồ; thay mới lan can; đường dạo quanh hồ; nâng cấp mở rộng cổng chính; nâng cấp, mở rộng đường vào; cầu dạo bộ; lát đá bazan một số vị trí; xây mới hàng rào; hệ thống điện trang trí dọc đường vào chính và các hạng mục phụ khác. Khu vực hồ B sẽ xây dựng cống dẫn nước thải và một số hạng mục khác. Thời gian thi công là 300 ngày, dự kiến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 10/2024.
Kế hoạch thời gian là như vậy, nhưng đến nay chúng tôi thấy trên công trình nhiều hạng mục vẫn còn những ngổn ngang công việc dang dở.
Những con đường liền kề trong khuôn viên đã được bê tông hóa. Những trục đường lớn, chính có cấu trúc rất lạ, ở giữa lát gạch, hai bên đổ bê tông (1/3 ở giữa con đường được lát gạt). Thời tiết phố núi 6 tháng mùa mưa, mưa dầm dề, nên “con đường gạch ở giữa” mặc dù mới làm xong nhưng đã bị rêu phong bám đầy, trơn trượt. Hậu quả là số người đi dạo công viên, đi bộ buổi sáng, buổi chiều bị té ngã cũng không phải là ít. Đây cũng là nỗi ám ảnh của những người không may lạc bước vào đường gạch và cũng là nỗi khiếp sợ của bọn nhỏ mỗi khi cha mẹ đưa đến dạo chơi công viên.
Cùng với chuyện lát gạch 1/3 mặt đường, điều đáng nói, đáng bàn mà người dân quan tâm, bức xúc ở đây nửa, đó là nhà thầu đã đỗ hàng ngàn mét khối đất xuống lòng hồ, nơi mà trước đây hàng ngàn người dân, thanh niên tình nguyện phải dùng sức người để nạo vét, đắp đập, ngăn suối, biến một thung lũng hoang sơ thành hồ nước đẹp như bây giờ.
Trước thực cảnh đó, bà con địa phương rất lo lắng cho cảnh quan môi trường nơi đây biến dạng, với tâm trạng và mong muốn: Đừng để sau khi cải tạo, nâng cấp Công viên Diên Hồng xong, thì “hồ biến thành ao”.
Có mặt và quan sát, chúng tôi thấy, để làm con đường vận chuyển vật liệu vào xây dựng, chủ công trình đã vận chuyển hàng ngàn tấn đất đá đổ xuống làm một con đường chạy ven theo mép ven hồ. Cách thành đập được xây bằng đá hộc cũ (mép nước hồ), dự án cho xây một bức tường bê tông, cách mép nước hồ cũ rộng chừng 1,5m (thực chất lấn ra diện tích mặt hồ), rồi tiếp tục đổ đất vào đó như xây bờ kè chống sạt lở. Phía thượng nguồn (đầu hồ) vốn đã nhỏ, cạn, nay lại càng nhỏ và cạn hơn vì số đất đá này chiếm một diện tích rất lớn.
Cũng như xung quanh lòng hồ, ngay chân đập (con đường qua lại hai bên) cũng được chủ đầu tư đổ xuống đó không biết bao nhiêu tấn đất đá.
Chị Nguyễn Thị B.(67 tuổi) chia sẻ, tôi ở đây từ thời dòng suối Ia Kring còn nguyên sơ, bà con địa phương và các cháu học sinh Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai hàng ngày vẫn xuống lấy nước tắm, giặt quần áo ở mấy giọt nước đầu nguồn. Sau này mới được chính quyền địa phương cho ngăn con suối làm đôi, đầu tư xây dựng thành công viên.
Trước đó từ đầu năm 1985 đến cuối năm 1986, phường Diên Hồng đã huy động đóng góp của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, tổng kinh phí bằng tiền mặt hơn 1,1 tỷ đồng, chưa kể công lao động nghĩa vụ của người dân phường, với định mức 30 ngày công/01 lao động chính/năm để nạo vét lòng hồ đắp đất sang phía đồi, xây kiên cố bờ chắn, bờ tràn hoàn chỉnh như ngày hôm nay.
Lòng hồ rộng, thoáng đẹp, những bãi cỏ xanh chạy xuống tận mép nước hồ, những nhà chòi tứ trụ, ngũ trụ nằm cạnh mép nước, bóng cây thả mình xuống mái ngói tạo nên một cảnh đẹp thơ mộng, rất riêng, rất phố núi mà ai một lần đến đây cũng không quên chụp lại những tấm hình kỷ niệm.
Chuyện TP Pleiku, tỉnh Gia Lai chủ trương cải tạo, nâng cấp công viên này, bà con địa phương ai cũng vui và nhất trí. Nhưng nâng cấp làm sao để công viên của thiên nhiên, phải trở về với thiên nhiên xanh đẹp hơn, hấp dẫn hơn, là điểm nhấn thực sự để thu hút khách du lịch đến với phố núi là điều nên làm. Chứ như bây giờ hồ nước của Công viên Diên Hồng đã được “bê tông hóa”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Tô Ngọc Thái - Trưởng phòng Kỹ thuật thẩm định của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Pleiku khẳng định: Toàn bộ số đất đá đổ xuống làm đường, sẽ được chúng tôi nạo vét đưa ra khỏi lòng hồ khi công trình hoàn thành, để hồ nước trở lại như thủa ban đầu. Còn lý do chậm trể đến nay chưa xong là do trời mưa quá, làm chậm tiến độ.
Có nỗi buồn nào hơn khi trước đây “đời cha” nạo vét từng sọt đất đá đem lên trên đồi, làm hồ, xây đập, tích nước… giờ “đời con” lại đem đất đá đổ xuống san lấp. Bỏ ra cả mấy tỷ bạc để làm đường khuôn viên cho người dân dạo chơi, thăm thú, đi bộ… nhưng 1/3 con đường lát gạch thì bị rêu phong bám trơn trợt, không đi được. Ai chịu trách nhiệm về hậu quả này?
Hy vọng Công viên Diên Hồng - hồ Đức An sau khi được cải tạo, nâng cấp sẽ đẹp hơn, hấp dẫn hơn, mời gọi hơn...