Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai chia sẻ, điều này có được nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và ngành công thương. Hiện toàn tỉnh có trên 256.000ha cây trồng chủ lực được trồng theo các tiêu chuẩn xuất khẩu như GlobalGAP, Rain Forest, Oganic, 4C, …
Bên cạnh đó, trên 58.000 ha sản phẩm nông sản đã được chứng nhận truy xuất nguồn gốc và hàng trăm nghìn ha nông sản đã nằm trong các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, giữa nông dân - doanh nghiệp, có sự tham gia của trên 200 hợp tác xã, giúp việc tiêu thụ sản phẩm chủ động hơn.
Đặc biệt, trong năm 2023, ngành nông nghiệp và công thương cũng triển khai nhiều hội nghị về phát triển các ngành hàng nông nghiệp theo hướng bền vững, tổ chức mở rộng thị trường chú trọng các quốc gia tham gia Hiệp định thương mại tự do CPTTP, EVFTA, UKVFTA, RCEP như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác. Đồng thời, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu. Đặc biệt, người dân và HTX trên địa bàn đã chủ động triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Trong những năm tới, ngành nông nghiệp Gia Lai tiếp tục phối hợp với ngành công thương trong thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến, để thúc đẩy chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm; thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn; phát huy thị trường truyền thống, mở rộng tìm kiếm thị trường mới; quảng bá giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp, tạo bước đột phá trong xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai”, ông Đoàn Ngọc Có cho biết thêm.
Ngoài ra, để hướng đến thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân ở Gia Lai đã đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, toàn tỉnh được cấp mới 117 mã số vùng trồng, với diện tích 2.650,6 ha và 12 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, với tổng công suất khoảng 740-760 tấn quả tươi/ngày. Như vậy, lũy kế đến nay, tỉnh Gia Lai đã được cấp 212 mã số vùng trồng (41 mã số vùng trồng sầu riêng, 48 mã vùng trồng chanh leo, 29 mã số vùng trồng chuối, 20 mã số vùng trồng ớt, 38 mã số vùng trồng khoai lang, 10 mã số vùng trồng mít, 9 mã số vùng trồng dưa hấu, 8 mã số vùng trồng thanh long, 6 mã số vùng trồng xoài, 3 mã số vùng trồng hồ tiêu), với diện tích 9.336,6 ha và 34 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.395-1.545 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…
Cùng với liên kết sản xuất theo chuỗi, việc tích cực đẩy nhanh đăng ký mã vùng trồng nông sản là bước đi quan trọng của tỉnh Gia Lai hướng tới thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị nông sản của địa phương, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.