Khánh Hòa: Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Năm 2023, ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 - 55 tỷ USD.

lua-1-16614792300641596561764-1705048958.jpg

Năm qua, nông dân trồng lúa Khánh Hòa được cả mùa lẫn giá

Cụ thể, tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế biển. Năm qua, hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của tỉnh đạt kết quả tốt. Tỉnh đã hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, hướng tới hình thành vùng nuôi biển xa bờ, quy mô lớn. Năm 2023, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 11% trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng 4,35%; tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 729 triệu USD. Năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nông sản Khánh Hòa.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm qua, nông dân trồng lúa Khánh Hòa được cả mùa lẫn giá. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, diện tích gieo trồng lúa vụ đông xuân, hè thu và vụ mùa trên toàn tỉnh đạt xấp xỉ 45.000ha. Với mỗi héc-ta lúa đạt trên 65 tạ, giá lúa có lúc chạm đến ngưỡng 9.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay, mang lại cho nông dân thu nhập hơn 30 triệu đồng/ha/vụ.

Đồng thời, sầu riêng cũng xác lập đỉnh mới cho ngành Nông nghiệp tỉnh với năng suất trung bình đạt hơn 10 tấn/ha, giá bán sầu riêng tại vườn loại ngon nhất lên đến 70 - 80 nghìn đồng/kg, gần gấp 3 lần so với nhiều vụ gần đây. Tại Khánh Sơn, nơi có 1.200ha sầu riêng đang cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt khoảng 15.000 tấn, tăng hơn 4.000 tấn so với năm trước. Sầu riêng đã mang về doanh thu cho nông dân huyện miền núi này ước đạt 900 tỷ đồng. Không chỉ được mùa, giá cao, sầu riêng còn hút hàng khi được bao tiêu gần như toàn bộ. Việc cây sầu riêng Khánh Sơn có hàng trăm héc-ta được cấp mã số vùng trồng và diện tích này không ngừng được tăng lên để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã giúp cho giá sầu riêng tăng lên.

Cùng với việc duy trì ổn định cây hàng năm, năm 2023, toàn tỉnh có 17.765ha cây ăn quả, tăng 0,63% so với năm 2022. Xoài, sầu riêng, bưởi, chuối... vẫn là những cây chủ lực. Toàn tỉnh cũng đã chuyển đổi gần 340ha lúa kém hiệu quả sang trồng rau, bắp, đậu, khoai và hơn 274ha cây hàng năm, lâu năm sang trồng các loại cây ăn quả như: Xoài, sầu riêng, mãng cầu, dừa,…

Bên cạnh đó, về chăn nuôi, so với năm trước, số lượng vật nuôi có tăng nhẹ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và một phần xuất tỉnh. Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra ở một số hộ nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu là bệnh viêm da nổi cục trâu bò, dịch tả heo châu Phi trên đàn heo. Cơ quan thú y, chính quyền địa phương và người chăn nuôi đã kịp thời phát hiện, triển khai các biện pháp khống chế hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đối với nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước được 4.840ha, vượt hơn 1.000ha so với kế hoạch. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt gần 18.000 tấn, tăng 4,9% so với năm trước. Cùng với trên 100.000 tấn thủy sản khai thác, tăng 1,13% đã góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản trong toàn tỉnh đạt 729 triệu USD...

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, ngành Nông nghiệp chiếm tỷ trọng 11% trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng khu vực ngành Nông nghiệp đạt 4,35% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 3,61%, thủy sản tăng trưởng 4,98%. Đây là những con số phấn khởi, thể hiện hướng phát triển vững chắc của ngành. Điều đáng chú ý là quy mô nông nghiệp của tỉnh không thuộc diện lớn so với mặt bằng chung của cả nước; diện tích cây trồng, số lượng đàn vật nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản không quá lớn mạnh. Tuy nhiên, Khánh Hòa có những loại nông sản có tính chất đặc hữu, được người tiêu dùng đánh giá cao, như: Yến sào, tôm hùm, ốc hương, sầu riêng, tỏi sẻ... Với đặc điểm này, những năm qua, nông nghiệp Khánh Hòa tập trung nâng cao giá trị nông sản, không chạy đua theo sản lượng.

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; triển khai có hiệu quả các mô hình nông nghiệp hiện đại, nông dân thông minh; tập trung hỗ trợ nông dân giải quyết vướng mắc về vay vốn; tiếp tục tháo gỡ "Thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu trong khai thác hải sản; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt cao hơn năm 2023; xuất khẩu nông sản đạt 55 tỷ USD trở lên. 

Mới đây, đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Thời gian tới, ngành cần tập trung tăng cường phát triển nông nghiệp liên kết theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nông sản Khánh Hòa. Đồng thời, tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu trong khai thác thủy sản; hoàn thiện Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao...".