Kiến trúc sư Lê Thanh Việt Bách: Đừng đem mái Nhà hát lớn Hà Nội đi lắp ghép lên mọi công trình.

Là con trai của giám đốc công ty cơ khí chế tạo Hải Phòng – một trong những “cánh chim đầu đàn” của ngành cơ khí thành phố Cảng và đất nước, nhưng KTS Lê Thanh Việt Bách lại chọn một con đường hoàn toàn khác với cha mình: Kiến Trúc. Tốt nghiệp đại học Kiến trúc Hà Nội, từng làm Chủ nhiệm đồ án các công trình lớn từ năm 26 tuổi, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong những tập đoàn xây dựng nổi tiếng như Vinaconex, TCT Sông Hồng, nhưng “chất riêng” của kiến trúc sư gốc Hải Phòng này vẫn được giữ nguyên. Quyết liệt, phóng khoáng, đôi khi sẵn sàng “chiến đấu” để bảo vệ những giá trị mình coi trọng, đó chính là cá tính của KTS Lê Thanh Việt Bách.
 

Không chỉ là người chủ trì, thiết kế và xây dựng nhiều công trình triệu đô, quy mô lớn có tính thẩm mỹ cao tại Việt Nam như khu đô thị Splendora, Hà Nội; Khách sạn Camellia Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Nhà khách công an tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang… KTS Lê Thanh Việt Bách còn được biết tới với những quy tắc “không thay đổi”.

Suốt 25 năm hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và Nội thất, Th.S KTS Lê Thanh Việt Bách vẫn giữ một thói quen: Không bao giờ miễn phí bản vẽ của mình. Trong thời đại mà bản vẽ thiết kế thường được nhiều công ty xây dựng “trao tặng” như một món quà khuyến mãi, KTS Lê Thanh Việt Bách lại có một góc nhìn hoàn toàn khác về giá trị, công năng sử dụng của một bản vẽ thiết kế chuyên nghiệp và những trăn trở về nghề kiến trúc.

  1. Trên cương vị một kiến trúc sư có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, KTS Lê Thanh Việt Bách có thể chia sẻ về giá trị của một bản vẽ thiết kế?

Với dân kiến trúc như tôi, bản vẽ thiết kế là linh hồn của một công trình. Một bản vẽ thiết kế tốt sẽ là nơi thể hiện, truyền tải các ý tưởng, giải pháp, phong cách thiết kế về quy hoạch, kiến trúc, nội thất, cảnh quan… cho tới cuộc sống hiện thực bên ngoài. Xét về mặt cảm xúc, bản vẽ thiết kế chính là giấc mơ về không gian sống của gia chủ được vẽ ra trên mặt giấy.

Vè mặt kỹ thuật, bản vẽ của một kiến trúc sư đã bao gồm cả bản vẽ của các bộ môn thiết kế kết cấu, điện, nước, hạ tầng. Tất cả các yếu tố kỹ thuật đã phải được tính toán kỹ lưỡng tới từng chi tiết, để có thể đồng bộ triển khai bảo đảm vận hành dự án, công trình.

Để có một bản vẽ thiết kế tốt, đòi hỏi sự sáng tạo, công sức và sự am hiểu của cả một tập thể. Nó cũng là danh dự, trách nhiệm của những kiến trúc sư khi họ là người trực tiếp chủ trì, thiết kế, kiểm soát và đóng dấu vào bản vẽ. Trên góc độ pháp luật, một bản vẽ thiết kế cũng chính là một lời cam kết về đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật cũng như chịu trách nhiệm hành nghề.

Công trình Nhà khách (Khách sạn 4 sao) Công an tỉnh Khánh Hòa (Giải nhất cuộc thi tuyển được Bộ trưởng Bộ Công an trao giải thưởng) – một trong những công trình do KTS Lê Thanh Việt Bách chủ trì và thiết kế

  1. Nhưng trên thực tế, tại Việt Nam có rất nhiều đơn vị xây dựng đang sử dụng một bản vẽ cho nhiều công trình, thậm chí chỉ cần chỉnh sửa đôi chút và tạo ra những sản phẩm gần như giống hệt nhau?

Để trả lời câu hỏi, tôi nghĩ mình nên chia làm 3 vấn đề. Thứ nhất là vấn đề cóp nhặt bản vẽ và ăn cắp ý tưởng, đây là hiện trạng có thể thấy mỗi ngày tại các dự án, công trình. Ưu điểm của việc này là việc không phải mất chi phí cho thiết kế, sáng tạo, nhưng nhược điểm của nó thì là sự chắp vá và không phù hợp, đồng thời tạo ra một thói quen xấu trong tư duy làm việc: Có thể “lấy” mọi thứ của người khác biến thành của mình.

z5387317801155-d8ca1f5dd39b3ec97662dd0f647e5578-1714150838.jpg
Thạc sĩ, Kiến trúc sư Lê Thanh Việt Bách

Mỗi công trình, dự án đều có những yêu cầu, đầu bài thiết kế với quy mô và vị trí khác nhau, hơn nữa đó là nơi thể hiện mong muốn, sở thích, màu sắc và tính cách của từng chủ đầu tư… Bởi vậy, rất khó có thể mang một công trình của người khác, bản vẽ thiết kế của người khác về đặt tại nhà mình được. Không thể gọi một căn nhà giống hệt của người khác là căn nhà mơ ước của mình, nhất là khi nó không hề phù hợp với gu thẩm mỹ, cá tính và công năng sử dụng.

Thứ 2, bản vẽ được quy định rất rõ trong hợp đồng về mặt sở hữu trí tuệ giữa Bên A là Chủ đầu tư và Bên B là Đơn vị thiết kế, cũng như tuân thủ theo quy định hành nghề của pháp luật, thể hiện rõ pháp nhân của cá nhân thiết kế và công ty thiết kế… nên việc sử dụng trái phép bản vẽ sẽ là trái với quy định.

Thứ 3, bản vẽ là công sức, trí tuệ của rất nhiều người, của cả một tập thể nên việc vi phạm bản quyền bản vẽ cũng coi như là việc ăn cắp công sức lao động và chất xám. Hệ lụy lâu dài về sau còn là việc các kiến trúc sư không còn đất để phát triển khả năng sáng tạo của mình. Khi chất xám, công sức lao động không được tôn trọng đúng mức, rất khó để kiến trúc sư gắn bó và dành toàn bộ tâm huyết cho nghề. Có một thực tế đáng buồn trong lĩnh vực xây dựng, khi phần cốt lõi, quan trọng nhất của một công trình lại không hề được coi trọng đúng mức: Bản vẽ.

  1. Anh có nghĩ rằng một bản vẽ được copy tràn lan sẽ gây ra những hệ luỵ gì cho ngành kiến trúc, chất lượng công trình cũng như chất lượng cảnh quan của một đô thị?

Tôi không bao giờ tin rằng việc copy bản vẽ, ý tưởng sẽ mang tới kết quả tốt. Sự dễ dãi, cẩu thả trong tư duy xây dựng và tư duy làm nghề của nhiều người đang mang tới những hệ lụy nhìn thấy được. Chúng ta cũng đã gặp những chuyện bi hài, như việc mang kiến trúc của mái Nhà hát lớn Hà Nội đi lắp ghép lên đủ mọi loại công trình nhà ở từ thành thị đến nông thôn gây ra sự phản cảm về thẩm mỹ đô thị. Các công trình, bản vẽ sao chép chưa nói tới việc không phù hợp với chủ nhà, vị trí mà còn không đảm bảo về kết cấu, vật lý kiến trúc, vật liệu khi áp dụng tại các vùng có địa chất, khí hậu khác nhau...

Hệ lụy của việc copy tràn lan không những tạo ra những sản phẩm không phù hợp, thiếu sức sống mà còn ảnh ưởng đến chất lượng đời sống xã hội cộng đồng, đến màu sắc, Văn hóa cảnh quan đô thị…

  1. Vậy theo anh thiết kế hay công trình có hồ sơ thiết kế sẽ mang lại những hiệu quả gì cho chủ nhà?

Theo tôi thì Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế một cách nhanh chóng nên nhu cầu về xây dựng nhà ở là rất lớn. Các dự án cần thiết phải được nghiên cứu tỉ mỉ và thiết kế rõ ràng, phù hợp với yêu cầu của chủ nhà, chủ đầu tư. Hồ sơ thiết kế chất lượng sẽ vô cùng hiệu quả, góp phần đảm bảo 4 yếu tố then chốt của công trình:

  • Chất lượng
  • Thẩm mỹ
  • Bền vững
  • Tiết kiệm
  1. Xin cảm ơn KTS Lê Thanh Việt Bách về những chia sẻ của anh.

"Kiến trúc sư Lê Thanh Việt Bách tốt nghiệp đại học Kiến trúc Hà Nội, có 25 năm làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, nội thất và từng là người chủ trì nhiều dự án có quy mô lớn tại Việt Nam. Anh từng là nhân sự cấp cao của nhiều tập đoàn lớn như Vinaconex, TCT Sông Hồng và hiện đang là chủ tịch của B&D Homes, bao gồm các công ty tại Hà Nội, Tp Hải Phòng và Tp Hồ Chí Minh hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch và nội ngoại thất”