Kim ngạch xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ bứt phá hơn trong năm 2024

Dự báo về tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ bứt phá hơn năm 2023 và sẽ có những kỷ lục mới, sẽ đạt khoảng 6,5 - 7 tỷ USD nếu tận dụng tốt thời cơ.

123-1710491174.jpeg

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ bứt phá hơn năm 2023 và sẽ có những kỷ lục mới

Đồng thời, hiện cả nước có khoảng 50 loại cây ăn quả, gồm các loại quả ôn, á nhiệt đới và nhiệt đới. Đặc biệt, nhóm các loại quả nhiệt đới có lợi thế xuất khẩu.

“Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, sản lượng các loại trái cây đã thâm nhập được vào các thị trường lớn sẽ tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2 - 3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Do đó, dư địa ngành hàng này còn rất lớn”, đại diện Bộ Công thương nhận định.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, diện tích cây ăn quả cả nước tăng đều qua các năm. Hiện tổng diện tích cây ăn quả cả nước khoảng 1,2 triệu hecta, trong đó, hai vùng sản xuất lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du miền núi phía Bắc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 815 triệu USD. "Đầu có xuôi đuôi mới lọt. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ bứt phá hơn năm 2023 và sẽ có những kỷ lục mới", ông Nguyên nói.

Việt Nam có nhiều lợi thế về thời vụ thu hoạch trái cây quanh năm. Theo thống kê, năm 2022, Việt Nam nằm tốp đầu các nước sản xuất, xuất khẩu một số loại trái cây như thanh long, bưởi, vải và sầu riêng. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ hai về sản lượng cam và các loại quả như xoài, ổi măng cụt và đứng thứ ba về sản lượng chuối, thứ 4 về sản lượng dứa.

Bên cạnh thị trường truyền thống và lớn nhất về xuất khẩu của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 65%), thì rau quả Việt Nam cũng đã thâm nhập được vào nhiều thị trường lớn, khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… với giá trị xuất khẩu cao.

Cụ thể, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, khoai lang, chanh dây, sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Riêng đối với sản phẩm đông lạnh, Bộ NN-PTNT đã có công hàm chính thức đề nghị phía Hải quan Trung Quốc mở cửa cho các sản phẩm đông lạnh. 

Đối với thị trường Mỹ, thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài, bưởi Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào thị trường này. Dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long ruột trắng, rau salad các loại, rau ôn đới, hành tỏi ớt được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc. Một trong những thị trường kỹ tính là Nhật Bản cũng đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, xoài, vải, rau gia vị, tía tô, rau cải, bó xôi tươi và rau đông lạnh Việt Nam. Thị trường EU nhập khẩu các loại quả nhiệt đới tươi, chế biến đóng hộp, nước quả, ngô ngọt, ngô bao tử, tỏi, nấm, khoai lang của Việt Nam. Úc nhập khẩu thanh long, xoài, vải, nhãn và bưởi. New Zealand nhập khẩu nhãn, xoài, thanh long, chôm chôm, chanh tươi và bưởi của Việt Nam…

Năm 2023, giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022. Đây là năm có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng bứt phát, vượt qua thanh long vươn lên vị trí số 1 với khoảng 2,2 tỷ USD, tăng hơn 5 lần so với năm 2022.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - ông Lê Thanh Hòa, Việt Nam có nhiều lợi thế khi đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, thời gian qua, các sản phẩm rau quả của Việt nam đã đáp ứng tốt với quy định ngày một cao của thị trường về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch động thực vật.

Mặt khác, các thị trường đã ký FTA không yêu cầu đánh giá rủi ro mở cửa thị trường đối với rau quả nhiệt đới (EU - EVFTA, Canada - CPTPP). Đây là cánh cửa cho nông sản, thực phẩm Việt Nam rộng mở ra thế giới.