“Lá phổi xanh” của Lâm Đồng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Với tổng diện tích rừng lên tới 596.642ha, chiếm khoảng 60% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh rừng, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất trong các tỉnh Tây Nguyên. Những năm qua, “lá phổi xanh” của Lâm Đồng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do bùng nổ dân số, nạn phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp cùng nhiều nguyên nhân khác.

71-1698030894473-1698114702.jpg

Lực lượng chức năng huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Khắc Lịch, Báo CAND

Huyện Lạc Dương là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Chỉ tính riêng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã quản lý tới hơn 42.410ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, gồm 49 tiểu khu, nằm trên địa bàn các xã Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais, Lát, Đưng K Nớ và thị trấn Lạc Dương. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý, bảo vệ tới 69.691ha, gồm 57.516ha rừng đặc dụng, 11.119ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất là 1.050ha, tiếp giáp với Đắk Lắk, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ngoài ra, 3.640ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc huyện Lạc Dương cũng đang được Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung quản lý. Với diện tích rừng lớn, chiếm tới 80% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện, nhiều năm qua, Lạc Dương phải đối mặt với các hành vi liên quan tới khai thác lâm sản trái pháp luật, phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, thủ đoạn phổ biến nhất là lợi dụng đêm khuya, kẻ gian sử dụng khoan điện, khoan vào thân cây rừng (chủ yếu là thông) rồi đổ hóa chất vào những lỗ khoan này. Ngấm độc dược, cây rừng sẽ chết từ từ, thông thường phải kéo dài tới vài tháng. Hành vi đầu độc rừng thông kiểu này thường xảy ra rất tinh vi, theo hình thức “gặm nhấm” nên rất khó phát hiện. Chỉ khi cây rừng chuyển sang vàng, chết lá lực lượng chức năng mới xác định được cây rừng bị đầu độc, việc cứu chữa gặp rất nhiều khó khăn.

“Lạc Dương là địa phương tiếp giáp với TP Đà Lạt, đất đai thường có giá trị cao, sản xuất nông nghiệp đem lại nguồn thu lớn nên nhiều đối tượng không từ một thủ đoạn nào để tìm cách “gặm nhấm”, lấn chiếm đất rừng. Dân số của huyện phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 66,74%), hiểu biết pháp luật còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, sức ép gia tăng dân số dẫn tới nhu cầu về đất để sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng tăng cao”, ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương chia sẻ.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn càng thêm áp lực trong những năm gần đây là nhiều người từ nơi khác tới địa phương mua đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích rừng lớn nhưng biên chế của lực lượng kiểm lâm và chủ rừng hiện nay rất mỏng, còn thiếu nhiều vị trí. Trách nhiệm, áp lực công việc cao, vất vả và thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm nhưng chế độ đãi ngộ được cho là chưa tương xứng khiến công tác tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Không ít trường hợp sau khi trúng tuyển dụng, nhận nhiệm vụ chỉ trong thời gian ngắn là bỏ việc vì không chịu nổi vất vả, áp lực.

Đồng thời, chỉ tính riêng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm của huyện phát hiện, lập hồ sơ 6 vụ vi phạm liên quan tới rừng và đất lâm nghiệp, từ đầu tháng 10 tới nay. Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương và Đội Thường trực thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg của huyện cũng đã tổ chức 22 đợt kiểm tra về tình hình quản lý bảo vệ rừng. Kết quả các đợt kiểm tra trong tháng của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã phát hiện và lập 8 hồ sơ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thuộc địa bàn các xã Đạ Sar, Đạ Chais, Đạ Nhim và thị trấn Lạc Dương. Số vụ vi phạm trong 10 tháng đầu năm 2023 tại huyện Lạc Dương giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, tổng số vụ vi phạm liên quan tới rừng trong 10 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh là 184 vụ. Trong đó, 141/184 vụ đã xác định đối tượng vi phạm (chiếm 76,6%), diện tích thiệt hại do phá rừng là 14ha, lâm sản thiệt hại là 1.299m3 và 85 cá thể động vật rừng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ vi phạm giảm 32 vụ (giảm 17%), diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 11,6ha (giảm 47%) nhưng lâm sản thiệt hại lại tăng 90m3 (tăng 9,0%).

Trong 10 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát hiện 20 vụ việc phức tạp, nổi cộm, trong đó 12 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng cũng đã lập hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 15 vụ, tịch thu hơn 732m3 gỗ tròn/xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 2,3 tỷ đồng.